Đề cương chi tiết Dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (phần 2)

II. Về nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, và đánh giá tác động của việc chuyển giao nhiệm vụ của các bộ, ngành.

          6. Câu hỏi 6: Tại sao Chính phủ lại trình Quốc hội 02 Phương án về vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe? Ý kiến của các bộ, ngành như thế nào?

          Trả lời:

          Tại Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 Chính phủ thảo luận và thống nhất về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đó Dự án Luật quy định các vấn đề: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông, các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

          Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 02 phương án: Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Phương án 2: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

          Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập luận, thuyết minh cho từng phương án và nhận thấy: Việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông, phù hợp với Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và luật của nhiều nước trên thế giới, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền con người. Đa số Thành viên Chính phủ đồng ý với Phương án 1.

          Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất bằng văn bản (số 8745/BGTVT-ATGT ngày 04/9/2020) để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo Phương án 1, Bộ Tư pháp đã thống nhất bằng văn bản (số 3274/BTP-PLHSHC ngày 04/9/2020) với Bộ Công an  lựa chọn Phương án 1 và đề nghị quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

          Đối với Phương án 2 sẽ không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; không giải quyết được bất cập về trật tự, an toàn đang đặt ra hiện nay về quản lý hành vi của người lái xe như đã phân tích.

          7. Câu hỏi 7: Khi chuyển giao nhiệm vụ quản lý người điều khiển phương tiện từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an sẽ có tác động như thế nào?

          Trả lời:

          Sau 25 năm chuyển giao sang ngành Giao thông vận tải đã có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến của các nước vào công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, để nghiêm túc thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 18, kết luận số 45 của Ban Bí thư và Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ thống nhất phân công Bộ Công an chịu trách nhiệm chính về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bao gồm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe là một chính sách trong công tác bảo đảm trật tự an toàn vào thông đường bộ đã được Chính phủ và các Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải thống nhất.

          Khi thực hiện công tác chuyển giao nhiệm vụ này, sẽ có những tác động cơ bản như sau:

          - Đối với tổ chức bộ máy của ngành Giao thông vận tải: Tổng số hiện có trên 1.655 sát hạch viên, trong đó có 589 là giáo viên tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ sát hạch viên (không trong biên chế nhà nước).

          Có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý (trong đó 600 cán bộ, công chức được cấp thẻ sát hạch viên) tại 64 đầu mối (Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ; 63 Phòng Quản lý phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông vận tải địa phương). Như vậy, về biên chế chỉ sắp sếp liên quan đến 650 cán bộ, công chức thuộc biên chế nhà hước, việc bố trí lại nhiệm vụ sẽ không gặp khó khăn.

          - Đối với tổ chức bộ máy của Bộ Công an: Được phân thành 4 cấp (bộ, tỉnh, huyện, xã) trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (bộ, tỉnh, huyện) gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, hoàn toàn đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành Giao thông Cán bộ chiến sỹ làm công tác quản lý đào tạo, phải là những đồng chí đã có kinh nghiệm thực tế về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là số làm nhiệm vụ sát hạch viên sẽ được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ bảo đảm đạt tiêu chuẩn như một số quốc gia tiên tiến. Sau chuyển giao Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ từ đào tạo, sát hạch, quy trình tham gia giao thông của người lái xe theo hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông trong các lĩnh vực qua căn cước công dân, cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý vi phạm pháp luật hành chính, hình sự… đảm bảo thuờng xuyên, liên tục, hiệu quả.

          - Đối với các cơ sở đào tạo, trung tâm tâm sát hạch lái xe: Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm phù hợp Luật Đầu tư năm 2020, Luật Giáo dục nghề nghiệp... đồng thời tiếp tục xã hội hóa mạnh mẽ, đảm bảo cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được tự chủ về hoạt động, đáp ứng yêu cầu xã hội, đúng quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ có điều kiện, công khai, công bằng trong đánh giá hiệu quả, chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, sát hạch cho phù hợp điều kiện người lái xe tham gia giao thông an toàn nhưng vẫn đảm bảo triệt để tận dụng nguồn vốn, tiết kiệm, hiệu quả, giảm thấp nhất phát sinh về đầu tư.

          - Đối với công dân: Đảm bảo tự do lựa chọn về đào tạo, sát hạch, được công khai, minh bạch, công bằng, tiết kiệm được thời gian học và được thụ hưởng đúng theo mức phí đã bỏ ra. Được đảm bảo chính xác, đầy đủ nội dung các thông tin cá nhân liên quan đến quyền và trách nhiệm khi tham gia giao thông. Tổ chức thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe đến Công an cấp xã đảm bảo nhanh gọn, chính xác, phục vụ Nhân dân ngay tại cơ sở.

          - Đối với cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện: Hiện nay, Bộ Công an đã được đầu tư, trang bị hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện bố trí tới cấp huyện, phần mềm in và quản lý giấy phép lái xe của ngành Công an tại Cục Cảnh sát giao thông và Công an 63 địa phương, do đó khi tiếp quản hệ thống quản lý của Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ yếu kết nối, đồng bộ hóa phần mềm ứng dụng sử dụng không gây tốn kém lớn về chi phí, không gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao và triển khai thực hiện.

          8. Câu hỏi 8: Có ý kiến cho rằng việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là “vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự”?

          Trả lời:

          Nghị quyết số 17-NQ-TW ngày 01/8/2007 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó tại mục 5 (về cơ cấu tổ chức của Chính phủ) có nội dung: “Đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện

dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.Việc thực hiện chủ trương này phải đảm bảo thận trọng, chặt chẽ và hiệu quả”.

           Bộ Công an nhận thấy cần phải nhận thức đầy đủ và hiểu đúng, hiểu rõ nội dung này của Nghị quyết số 17-NQ/TW, theo đó cần hiểu đúng như thế nào là một số nhiệm vụ “có đủ điều kiện dân sự hóa"?, đối với những nhiệm vụ liên quan đến quản lý kinh tế - kỹ thuật đơn thuần mà các ngành dân sự thực hiện được thì việc chuyển giao là phù hợp, còn đối với các nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thì phải do Bộ Công an quản lý, như quản lý cư trú (cấp, quản lý chứng minh nhân dân, hộ khẩu và hiện nay là căn cước công dân; quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy...).

          Đối với công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, như đã phân tích về có sở khoa học và thực tiễn khẳng định đây là quản lý hành  vi của người lái xe tham gia giao thông, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người lái xe - chủ thể quyết định đến an toàn giao thông (hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông đường bộ làm chết gần 102 nghìn người, trung bình hàng năm gần 10 nghìn người chết, hàng trăm nghìn người bị thương tật suốt đời, trong đó nguyên nhân do lỗi của người điều khiển phương tiện chiếm trên 90% tổng số nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông) và cũng chính từ kiến thức, kỹ năng, ý thức kém của nhiều lái xe đã gây ra tình trạng giao thông lộn xộn, mất trật tự hiện nay, gây ra nhiều vụ ùn tắc giao thông do thiếu ý thức nhường đường, chen lấn trong giờ cao điểm ở các đô thị lớn. Bên cạnh đó, về an ninh, trật tự, rất nhiều các vụ phạm tội sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong hơn 10 năm qua đã phát hiện, xử lý trên 30 nghìn vụ phạm pháp hình sự trên tuyến giao thông, hầu hết đều sử dụng ô tô, mô tô để thực hiện hành vi phạm pháp), chỉ thông qua các công tác nghiệp vụ của ngành Công an mới phát hiện được và có biện pháp xử lý.

          Thực tiễn hiện nay cho thấy công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe bộc lộ rất nhiều sơ hở, bất cập, lỏng lẻo; tình hình trật tự, an toàn giao thông hiện nay rất bức xúc cho toàn xã hội, cho nên không thể vì lý do giữ ổn định cơ quan quản lý và để tình hình an toàn giao thông diễn biến phức tạp như hiện nay, vì vậy phải có sự thay đổi cơ quan quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp của hoạt động giao thông. Tham khảo kinh nghiệm các nước cho thấy, nhiều quốc gia giao lực lượng Cảnh sát thực hiện công tác này, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nga, Pháp, Australia, Đức, Hà Lan...

           Bộ Công an luôn xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trên nền tảng các Cơ sở dữ liệu có liên thông, chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành trong công tác quản lý với mục tiêu cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân, tăng cường tính công khai, minh bạch, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi nhất cho người dân, vấn đề này đã được xác định trong mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật và thể hiện cụ thể trong các chính sách của Luật (như hiện nay công tác đăng ký xe đã thực hiện mạnh mẽ chủ trương này và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao).

          Do đó, không có việc “vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự” như một số ý kiến nêu ra, mà quan trọng là thay đổi để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và vì mục tiêu chung, vì lợi ích của người dân, của đất nước.

          9. Câu hỏi 9: Bộ Công an sẽ thực hiện như thế nào để đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo lái xe, sát hạch lái xe?

          Trả lời:

          Hiện nay, cả nước đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe trong đó 328 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, mô tô, 135 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 121 trung tâm sát hạch lái xe do các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn quy định của Luật đầu tư theo cơ chế xã hội hóa, hoạt động độc lập, là một loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, tự chủ thu chi, tự quyết về nguồn nhân lực. Hoạt động sát hạch, cấp giấy phép lái xe vẫn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện. Một số cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe sử dụng nguồn kinh phí nhà nước sẽ được Bộ Công an tham mưu báo cáo Chính phủ, các Bộ, Ngành có liên quan thực hiện triệt để công tác xã hội hóa loại hình dịch vụ này.

          Đánh giá thực chất quá trình đào tạo hiện nay đang có nhiều tồn tại:

          - Chương trình đào tạo còn chưa phù hợp: Thời gian học lý thuyết dài, không theo xu thế công nghệ hiện nay (thời gian học 90 tiết tập trung).

          - Công tác quản lý đào tạo buông lỏng, không được thực hiện hoặc kiểm soát thường xuyên: Lý thuyết không đạt yêu cầu; tình trạng nhiều học viên không biết chuyển số khi lái xe tham gia giao thông, văn hóa giao thông không được đào tạo, học thực hành ít, không đảm bảo theo nội dung của giáo trình; trong hình chủ yếu học "mẹo", đánh dấu vị trí, điểm chết trên sa hình để qua bài; không thực hiện nghiêm túc các nội dung thi, cấp chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo; thời gian đào tạo bị rút ngắn, không quản lý được đội ngũ giáo viên, giáo viên không phải chịu trách nhiệm gì, kinh phí đào tạo không đáp ứng thời gian đào tạo theo quy định...

          Khi tiếp nhận, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, bố trí lại chương trình đào tạo theo hướng ngắn gọn, phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tối ưu tận dụng thời gian, tài chính cho nguời học lái xe. Cơ sơ đào tạo thuận lợi tổ chức thực hiện phù hợp điều kiện cơ sở vật chất và thực tế đào tạo. Cơ quan quản lý chặt chẽ việc tổ chức thực hiện của cơ sở đào tạo và người học. Tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật, học viên được tự lựa chọn hình thức đào tạo và trung tâm sát hạch. Căn cứ chất lượng đào tạo, giáo viên dạy lái và cơ sở vật chất để có hướng xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch không đủ điều kiện.

          10. Câu hỏi 10: Các hạng Giấy phép lái xe có phù hợp với thông lệ quốc tế không?

            Trả lời:

          Dự thảo quy định Giấy phép lái xe gồm 11 hạng, trong khi đó theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là 13 hạng. Đây là nội dung được một luật hóa từ các quy định về phân hạng Giấy phép lái xe tại Công ước Viên năm 1968, tạo điều kiện cho việc sử dụng Giấy phép lái xe của Việt Nam ở nước ngoài và giấy phép lái xe nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời đây là nghĩa vụ của quốc gia thành viên khi Việt Nam ký kết, gia nhập công tước này. Các quy định phân hạng trong Dự thảo được thực hiện trên nguyên tắc kế thừa các quy định hiện hành của Việt Nam đồng thời không trái với quy định của Công ước Viên 1968, để không gây tác động khi thay đổi về chính sách. Việc cấp giấy phép lái xe theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những giấy phép lái xe thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại.

           Do đó, các quy định về phân hạng giấy phép lái xe là phù hợp với Công ước Viên về giao thông đường bộ năm 1968.

          11. Câu hỏi 11: Các chức năng, nhiệm vụ chuyển giao giữa các bộ, ngành quy định trong dự thảo Luật?

          Trả lời:

          1. Với quan điểm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay theo xu hướng chuyên sâu hóa, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể, bảo đảm sự phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Luật hóa những quy định của pháp luật đã thực hiện ổn định, hạn chế việc ban hành các văn bản dưới Luật, để đảm bảo việc thực thi Luật được thống nhất.

          2. Các chức năng, nhiệm vụ chuyển giao giữa các bộ, ngành quy định trong dự thảo Luật.

          2.1. Dự thảo Luật quy định trách nhiệm thực thi của 11 bộ, ngành liên quan, trong đó các Bộ Giao thông vận tải, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Tài Chính, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, cơ bản không phát sinh nhiệm vụ mới mà chỉ cụ thể hóa và làm rõ hơn các nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ đang thực hiện.

           Bộ Y tế: Xây dựng triển khai các trạm cấp cứu tai nạn giao thông trên các quốc lộ, cao tốc theo lộ trình của Chính phủ, cung cấp cho cơ quan Công an các thông tin về người bị cấp cứu trong vụ tai nạn giao thông đường bộ. Nội dung này quy định để kịp thời tổ chức các hoạt động cấp cứu, giải quyết, điều tra các vụ TNGT đường bộ.

          Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bổ sung nhiệm vụ tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật trong đào tạo lái xe. Nội dung này được quy định để bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội của Nhà nước ta,

          3. Đối với Bộ Công an: Dự thảo Luật quy định có 14 mục nhiệm vụ, trong đó 13 mục nhiệm vụ hiện nay Bộ Công an đang thực hiện (được quy định trong Luật GTĐB năm 2008, trong các Luật khác hoặc các văn bản dưới Luật), chỉ có 01 mục nhiệm vụ là quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là nhiệm vụ mới được chuyển giao từ Bộ Giao thông vận tải sang.

           4. Tác động đến hệ thống pháp luật: Khi ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ hết hiệu lực (những nội dung liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT); 12 nghị định, thông tư có liên quan sẽ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế. Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã liệt kê và phân công cụ thể trách nhiệm các bộ phải ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế.

.....

(còn nữa)

Tác giả: Thanh Quyết
Nguồn: Phòng Cảnh sát Giao thông
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu