PHÒNG CẢNH SÁT GIAO THÔNG THANH HÓA TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THUỶ SẢN

       Hằng năm (bắt đầu từ trung tuần tháng 03 đến giữa tháng 05), Phòng Cảnh sát Giao thông luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản theo nội dung kế hoạch “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hoá” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chỉ đạo Đội Cảnh sát đường thuỷ triển khai các biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép trên các tuyến đường thủy. Đã tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: Sử dụng công cụ kích điện khai thác thuỷ sản; tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Những hành vi này không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, ảnh hưởng cân bằng hệ sinh thái, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, dẫn đến thiệt hại về người, tài sản của người dân, gây mất ổn định về tình hình ANTT.

Lực lượng Cảnh sát đường thuỷ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm

Từ tháng 3/2022 đến nay, Đội Cảnh sát Đường thuỷ - Phòng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, bắt quả tang 15 vụ = 15 trường hợp khai thác thủy sản trái phép, phạt tiền 52 triệu đồng, tịch thu toàn bộ công cụ kích điện theo quy định. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và việc chấp hành pháp luật của người dân trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các tuyến đường thủy của tỉnh Thanh Hóa.

* Mức xử phạt hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác thủy sản được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tại Điều 28, quy định cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản

3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau:

a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a.  Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2, 3 và 4 Điều này;

b. Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

* Khai thác thủy sản bất hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với hành vi “Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi thuộc một trong các trường hợp: “Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Hầu hết thủ đoạn của các đối tượng hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên các tuyến đường thủy thường sử dụng bình ắc quy kết hợp kích điện gắn trên các phương tiện thuyền xi măng, thuyền tôn nhỏ tự đóng để đánh bắt thủy sản.

Phương tiện thuỷ tự đóng, thường sử dụng vào hoạt động khai thác thuỷ sản trên sông

Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát Giao thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hoá” năm 2023 theo kế hoạch số 14/KH-SNN&PTNT ngày 17/02/2023 của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo Đội Cảnh sát Đường thuỷ  tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên các tuyến Sông Mã, Sông Chu, Sông Lèn thuộc địa bàn Thành phố Thanh Hoá, Thành phố Sầm Sơn, các huyện Thiệu Hoá, Hoằng Hoá, Thọ Xuân, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định… Đồng thời kêu gọi mỗi người dân chúng ta cần nêu cao ý thức và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản; khi phát hiện đối tượng vi phạm hãy cung cấp thông tin kịp thời để cơ quan Công an bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định, góp phần giữ vững ổn định tình hình ANTT và TTATGT trên các tuyến đường thủy./.

Tác giả: Trần Văn Thọ - PC08
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu