Công an Thanh Hoá tập trung triển khai Đề án 06

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia, giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030”(gọi tắt là Đề án 06). Đây là Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm giàu dữ liệu về dân cư, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành cùng đóng góp vào việc hình thành và khai thác tài sản chung Quốc gia...

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, ngày từ đầu năm 2022, Công an tỉnh Thanh Hóa với vai trò là cơ quan thường trực trong thực hiện Đề án 06 đã chủ động tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án với mục tiêu sớm hoàn thành các chỉ tiêu và nội dung mà Chính phủ và Bộ Công an đã đề ra

Công an xã Vạn Xuân huyện Thường Xuân đến từng thôn, bản tuyên truyền, 
hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện được mục tiêu đó là hệ thống dữ liệu thông tin cá nhân phải được thu thập và đồng bộ một cách chính xác, đầy đủ, đồng thời “nuôi sống” dữ liệu thông tin đó để có thể liên kết với các ngành phục vụ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, toàn dân từ đủ 14 tuổi trở lên đều phải được cấp thẻ CCCD có gắn chíp và tài khoản định danh điện tử để trên nền tảng này phát triển thêm những tiện ích khác phục vụ Nhân dân cũng như triển khai các dịch vụ công trực tuyến, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, “đúng, đủ, sạch, sống” là yêu cầu hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong thực hiện Đề án 06 và 2 Dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và sản xuất cấp, quản lý CCCD.

Thượng tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Một số nhiệm vụ rất trọng tâm yêu cầu đó là đảm bảo dữ liệu dân cư đúng đủ sạch sống, cùng với đó là thu nhận dữ liệu căn cước công dân gắp chíp và thu nhận định danh điện tử cho công dân và phát triển các ứng dụng phần mềm VneID để từ đó đưa đề án 06 với các nội dung, tiện ích thực sự đi vào cuộc sống. Cùng với đó là các yêu cầu đảm bảo về an ninh, an toàn, bảo mật hệ thống, bố trí lực lượng để trực tiếp thực hiện các nội dung đề án.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng app “Báo cháy 114”.

Để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian qua, Giám đốc Công an tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu õ những tiện ích của Đề án 06, từ đó đồng tình và ủng hộ chủ trương chuyển đổi từ chứng minh nhân dân, CCCD thường sang CCCD gắn chíp. Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã tập trung nhân lực, trang thiết bị, triển khai quyết liệt, hiệu quả, “tăng tốc” thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD gắp chíp và tài khoản định danh điện tử, thực hiện tổng kiểm tra cư trú “làm sạch” dữ liệu dân cư, hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện trước ngày 30/9/2022.

Đến nay, Công an Thanh Hoá đã thực hiện được 9/11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các lĩnh vực do Bộ Công an chủ trì như: xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ CCCD; đăng ký thường trú, tạm trú; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đăng ký quản lý con dấu v.v...Hiện Công an Thanh Hoá đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện các thủ tục giao dịch qua cổng dịch vụ công trực tuyến; cải cách triệt để các thủ tục, quy trình, giảm phiền hà, chi phí và thời gian đi lại cho Nhân dân.

Công an thị xã Nghi Sơn làm thêm thứ 7, chủ nhật để cấp thẻ CCCD cho công dân.

Đặc biệt từ ngày 10/6/2022, Công an Thanh Hoá chính thức áp dụng hình thức nộp phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, đem lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Trung tá Lê Thị Liên, Phó đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thanh Hoá cho biết: Để triển khai có hiệu quả việc nộp phạt qua cổng dịch vụ công trực tuyến, phòng Cảnh sát giao thông đã làm tốt công tác tuyên truyền, niêm yết công khai các bước quy trình thực hiện tại trụ sở tiếp dân. Đồng thời khi dân đến nộp phạt thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ trực tiếp hướng dẫn cho người dân cách thức nộp phạt qua dịch vụ công trực tuyến để các tổ chức và người vi phạm biết thực hiện. 

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc lực lượng công an áp dụng hình thức nộp phạt giao thông qua dịch vụ công trực tuyến, vì nó mang lại rất nhiều thuận tiện, thủ tục nhanh chóng, giảm thời gian đi lại, chờ đợi để xử lý nộp phạt. Anh Lê Văn Tới, ở Thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá cho biết./.

 

Tác giả: Hà Phương
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu