Công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, tất cả vì Nhân dân phục vụ. Đó là những lợi ích mà dịch vụ công trực tuyến mang lại cho người dân. Tuy nhiên, do mới triển khai nên hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn thấp.
Với mục tiêu đưa người dân đến gần hơn với dịch vụ công trực tuyến, Công an tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích và tích cực tham gia thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Thượng tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06, Công an tỉnh đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan thông tin đến người dân cũng như các cơ quan liên quan về việc thay thế các phương thức trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời triển khai việc cấp CCCD gắn chíp điện tử đối với 100% người dân trong độ tuổi đủ điều kiện, cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Cùng với đó yêu cầu công an các đơn vị địa phương đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”...đáp ứng yêu cầu để người dân thực hiện các thủ tục hành chính và đẩy mạnh các dịch vụ công trên môi trường điện tử, để người dân tiếp cận thuận tiện nhất.
Là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, trong đó có 11 huyện miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn nên tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Nguyên nhân một mặt là do người dân vẫn có thói quen đến nộp hồ sơ tại trụ sở Công an. Mặt khác nhiều người ít tiếp xúc với công nghệ thông tin, thậm chí nhiều người không có điện thoại thông minh hay máy tính kết nối internet v.v...
Mặc dù bước đầu triển khai còn một số khó khăn, nhưng với quyết tâm, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm Vì Nhân dân phục vụ, Công an Thanh Hóa đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực tham gia kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 và cài đặt ứng dụng VNeID; phối hợp với các nhà mạng viễn thông thực hiện chuyển đổi sim điện thoại cho công dân; Đoàn thanh niên các đơn vị đã phối hợp với thành đoàn, huyện đoàn và Ban Giám hiệu các nhà trường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VneID cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh đã thành lập các tổ công tác lưu động phối hợp với các sở, ban ngành trực tiếp đến trụ sở, cơ quan làm việc để thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Qua đó bước đầu đã kích hoạt tài khoản định danh cho hơn 4 nghìn sinh viên và cán bộ, công nhân viên chức, người lao động...
Sau khi được tuyên truyền về những tiện ích của việc đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và cài đặt ứng dụng VNeID, anh Ngô Ngọc Hùng ở thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hoá đã hiểu rõ lợi ích lớn lao khi sử dụng tài khoản định danh điện tử và thực hiện nộp hộp sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Anh cho biết: tôi làm thủ tục rất nhanh, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, nhất là người dân ở địa bàn miền núi đi lại khó khăn như chúng tôi.
Không chỉ anh Hùng mà nhiều người dân sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đều thấy được những tiện ích của dịch vụ này. Người dân có thể đăng ký, làm bất cứ thủ tục nào, ở bất cứ đâu và thời gian nào miễn là tài khoản hợp lệ trên Cổng dịch vụ công Chính phủ...Thực tế, trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực bảo hiểm y tế số lượng người dân tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế bằng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT giấy đã tăng cao.
Ông Nguyễn Thế Sợi, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa là địa phương có số người tham gia BHYT và đi khám, chữa bệnh BHYT đông nhất cả nước. Việc xuất trình thẻ BHYT giấy và giấy tờ tùy thân khi đi khám chữa bệnh là quy định bắt buộc nhưng cũng gây không ít khó khăn trong việc bảo quản thẻ BHYT giấy, quét mã QR code để lấy thông tin trên thẻ... Hàng năm số người làm mất, hỏng xin cấp lại cao, tăng chi phí in ấn, lãng phí thời gian của cả người có thẻ và cán bộ Bảo hiểm. Từ đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thí điểm dùng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc làm sạch dữ liệu, đồng bộ dữ liệu. Xác định đây là nhóm công việc mấu chốt trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Song song đó tuyên truyền cho người dân đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, tạo điều kiện cho Nhân dân khi đi khám chữa bệnh.
Việc đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân, không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại cho công dân mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ANTT. Sự hài lòng và đánh giá cao của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã thể hiện sự nỗ lực của lực lượng Công an tỉnh trong việc nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn./.