Cảnh báo hiểm họa cháy nổ đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Nhà ở kết hợp kinh doanh, đặc biệt là dạng nhà ống luôn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường khi có cháy xảy ra. Người dân ở đô thị hầu hết đang sinh sống trong những ngôi nhà kiểu như vậy. Lời cảnh báo về an toàn PCCC chỉ được người dân chú ý khi xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH dùng xe thang tiếp cận cứu nạn vụ cháy tại số 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa

Làm thế nào hạn chế được những vụ cháy từ dạng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và để hạn chế tối đa thiệt hại từ các vụ cháy xảy ra?... Và để giải mã câu hỏi này thì mỗi người dân cần phải nghiêm túc thực hiện những quy định, khuyến cáo về PCCC.

“Nhà không lối thoát”

Liên tiếp những ngày qua, tại các thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, làm thiệt hại nhiều người và tài sản. Vụ cháy xảy ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 30-3 đã làm chết 6 người, và mới đây ngày 4-4, vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội cũng đã làm chết 4 người.

Điểm tương đồng các vụ cháy là những ngôi nhà không quá lớn, nhưng số người tử vong lại nhiều. Vậy nguyên nhân vì sao, do đâu những ngôi nhà này lại dễ cháy và khi cháy lại thiệt hại nghiêm trọng đến như vậy???

Từ thực tiễn vụ cháy tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng xảy ra ngày 4-4, không phải khi cháy những người biết đến cơ sở này mới thốt lên rằng, sao không chạy lên tầng thượng để thoát nạn. Đó là mấu chốt đáng quan ngại của những ngôi nhà dạng hình ống, vừa kinh doanh và kết hợp làm nơi sinh hoạt, ăn ở. Ở cơ sở kinh doanh đồ cho mẹ và bé tại phố Tôn Đức Thắng, người ta không chỉ giật mình về những đồ đạc, hàng hóa dễ cháy, bén lửa nhanh mà nhiều khách vào mua hàng còn “ấn tượng” với cách thức sắp xếp đồ đạc.

Chủ nhân kinh doanh vừa muốn nơi bán hàng làm kho chứa cho tiện lợi, phần vì cũng không có điều kiện để thuê nơi khác làm kho cất giữ hàng hóa. Vì thế, họ tận dụng tối đa những khoảng trống trong không gian quá chật hẹp để làm nơi bày biện hàng hóa. Không chỉ các sạp hàng cao ngất dưới tầng 1 mà còn xếp đầy bỉm, giấy, quần tã… dọc cầu thang lên đến tầng 2.

'Một lối đi lại khi bình thường còn phải len chân khéo léo mới đi được, thì khi xảy ra sự cố hỏa hoạn việc thoát nạn trong hoảng loạn là điều không thể thực hiện được. Chưa kể đến việc, chính những số hàng đó, là cầu nối bắt lửa để nó bùng phát nhanh hơn rồi lan lên các tầng và cháy lớn gấp bội phần' - Chỉ huy Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Đống Đa nhận xét.

Những vụ cháy gây tử vong nhiều người đều xuất phát từ việc nhà không có lối thoát nạn và lửa cháy lan quá nhanh, quá lớn và phát hiện muộn. Vụ cháy tại căn nhà ở TP Hồ Chí Minh cũng vậy, bởi kết luận ban đầu của cơ quan khám nghiệm hiện trường đã cho thấy, lối thoát hiểm của ngôi nhà bị bịt kín mít...

Tuy các vụ cháy xảy ra đều gây thiệt hại về người và tài sản một cách rất nghiêm trọng, nhưng phải khẳng định sự có mặt của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là rất kịp thời, nhanh chóng. Tuy nhiên, hỏa hoạn không chừa bất cứ ai và chỉ cần bất cẩn là có thể phải đánh đổi bằng tính mạng con người.

Bạn đọc hẳn còn nhớ vụ cháy tại hầm để xe của Trung tâm Thương mại Plaza Tràng Tiền mới xảy cách đây chưa lâu. Khi phát hiện chiếc xe ô tô trong hầm để xe phát cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ là nhân viên bảo vệ của Trung tâm thương mại đã dùng bình chữa cháy để dập lửa và chỉ ít phút sau khi nhận được tin báo, các chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hoàn Kiếm đã có mặt phối hợp dập tắt đám cháy, không để cháy lan sang các phương tiện và đồ vật khác ngay gần kề...

Hay như vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà số 311, phố Tôn Đức Thắng, khi nhận được tin vụ cháy, các lực lượng phối hợp chữa cháy, CNCH của Công an TP Hà Nội, Công an quận Đống Đa đã có mặt ngay, phối hợp với người dân xung quanh hiện trường và lực lượng chữa cháy cơ sở thực hiện nhiều biện pháp chữa cháy, CNCH. Song vì nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên khi các lực lượng phối hợp dập được lửa thì 4 người trong gia đình nạn nhân đã tử vong...

Hành động ngay, còn kịp

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội, với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện trên toàn thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào.

Quan sát của phóng viên tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố, có nhiều hộ dân do muốn tăng không gian sống rộng rãi hơn, nên việc tận dụng từng phân đất cho căn phòng của mình là không hiếm gặp, nhưng ít ai nghĩ tới và đặt ra tình huống xấu nhất là khi xảy cháy, nổ sẽ thoát đi đâu? Trong khi đó trên tầng thượng nhiều gia đình đã bịt kín bằng mái tôn, tường sắt… không để khoảng thoáng vì sợ mưa gió và trộm đột kích, nên khi cháy đã không có lối thoát và bị om như nằm trong lò thiêu...

Vụ cháy nhà gây thiệt hại 4 người tại phố Tam Khương, quận Đống Đa cũng do nhà không có lối thoát nạn

Đáng lo ngại nhất hiện nay, nhiều gia đình ở nhà dạng ống mới chỉ nghĩ đến việc làm thế nào an toàn phòng chống trộm đột nhập, nhưng chưa nghĩ đến làm cách nào để thoát nạn. Chính vì thế, những ngôi nhà có mặt tiền và đây thường là điểm cứu nạn, thoát nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất khi có cháy thì đã bị lồng sắt chống trộm cản trở... Còn những hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đều tiềm ẩn cháy nổ cao, bởi cách sắp xếp hàng hóa kém khoa học và lơ là trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.

Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn Hà Nội, phần lớn những hộ kinh doanh đều có một ban thờ gọi là “ban thần tài”. Ban này luôn được chủ nhân để ngay sát cửa ra vào thậm chí sát nơi bày hàng hóa. Hàng ngày, việc dâng hương, nến rất đều đặn và nhiều chủ nhân còn tâm niệm muốn có nhiều may mắn phải bày đủ đầy, ngoài thắp hương còn phải châm điếu thuốc lá cắm tự cháy trên đó. Không ít chủ nhân không tỉa bớt chân nhang do duy tâm, khiến bát hương lùm xùm tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao...

'Đã không ít vụ cháy xuất phát từ nguyên nhân thắp hương ban thần tài gây cháy chợ, nhà ở, kho xưởng..., bởi chủ nhân bất cẩn. Nhưng mỗi khi xảy cháy họ đều chỉ thảng thốt cho rằng “gặp hạn”, chứ không nghĩ đó là nguyên nhân chủ quan do thiếu tự phòng cháy dẫn đến hậu quả khôn lường như vậy. Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng CAQ Bắc Từ Liêm khuyến cáo và nhấn mạnh nhà ống kết hợp sản xuất, kinh doanh nếu để các ban thờ ngoài cửa, khi không may xảy ra cháy chẳng có đường nào thoát nạn. Lửa bịt kín trong không gian chật hẹp, nếu phía trên cũng bị bịt kín bằng lồng sắt chống trộm hoặc các vật liệu khác thì hậu quả khôn lường bởi chỉ trong thời gian ngắn, khói sẽ làm cho người chết ngạt trước khi bị lửa thiêu.

Tuân thủ an toàn PCCC là tự cứu mình

Phải khẳng định, để hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra thì mọi người dân phải thật sự tuân thủ các quy định về an toàn PCCC. Tuân thủ trong công tác PCCC không phải là làm chiếu lệ, làm cho có mà phải thực hiện bằng ý thức của mình, bởi tự mình mới biết cách làm mình an toàn nhất!

 

Nhà ống nằm trong ngõ sâu nếu như thiếu tuân thủ quy định an toàn PCCC, khi xảy ra hỏa hoạn sẽ gây hậu quả khôn lường

“Nước xa không cứu được lửa gần”, câu nói cổ xưa này có nhiều hàm ý để nhấn mạnh sự tự giác, nâng cao ý thức PCCC trong mỗi gia đình. Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy, chuyên gia Cảnh sát PCCC và CNCH của CATP Hà Nội phân tích: “Khi đám cháy xuất hiện cho đến khi bùng phát lớn chỉ tính bằng phút, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa dễ cháy như vải vóc, quần áo, giấy, ni long, bỉm... thì đây là vật liệu cháy lan rất nhanh và cháy lớn. Trong khi đó, khoảng cách giữa nơi xảy cháy và nơi lực lượng Cảnh sát PCCC xuất xe gần nhất cũng phải đi ít nhất 10 phút mới tới nơi, nếu không bị rơi vào tình trạng giao thông ùn ứ, ách tắc. Vậy thì, việc phát hiện sớm và xử lý hiệu quả các vụ cháy trước hết phải từ ý thức PCCC của mỗi người dân”.

Để người dân có thể xử lý cháy được kịp thời, thì việc đầu tiên phải có kỹ năng và các loại phương tiện chữa cháy hiện đại. Về vấn đề “tự cứu mình” trong công tác PCCC và CNCH, Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội phân tích: “Tự phát hiện cháy hiện nay không khó, bởi thiết bị báo cháy, báo khói rất đa dạng và không đắt tiền. Mỗi người dân, đặc biệt cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp nơi ở nên lắp đặt trong gia đình, nơi bán hàng để kiểm soát, phát hiện cháy. Muốn xử lý được kịp thời các vụ cháy, cần phải có phương tiện chữa cháy, tức là bình chữa cháy để dập lửa ngay khi còn là đốm nhỏ”.

Việc trang bị, phương tiện đối với mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp nơi ở là rất cần thiết, để xử lý kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những yếu tố quan trọng trong trách nhiệm phải tuân thủy quy định an toàn về PCCC.

Công tác cứu hộ, cứu nạn ở những nơi xảy cháy là nhà dạng ống, bịt lồng sắt thường gặp nhiều khó khăn, mất thời gian tiếp cận

Nhiều năm qua, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động, thường xuyên tuyên truyền tập huấn từ các cơ quan, doanh nghiệp đến khu dân cư. Việc tuyên truyền không chỉ là biện pháp nhắc nhở nâng cao ý thức mà còn là biện pháp trau dồi kỹ năng thoát nạn trong tình huống cháy, nổ. Trong luật PCCC quy định rõ công tác PCCC là trách nhiệm của toàn dân. Vì thế, để an toàn thay vì nghĩ “cháy nhà họ chứ không phải nhà mình”, bằng cách phải phòng cháy tốt, nếu không thì xảy cháy nhà hàng xóm sẽ lan sang nhà mình.

Để hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội khuyến cáo: “Đối với các hộ dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh, việc sắp xếp hàng hóa có khoảng cách và lối thoát nạn là điều bắt buộc phải thực hiện. Tuyệt đối không để các thiết bị điện có cắm điện lên đồ dễ cháy. Không cắm sạc pin xe đạp điện và điện thoại di động qua đêm và để gần xe máy có xăng. Cần kiểm tra các thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ. Các thiết bị điện cần được bảo dưỡng đúng định kỳ, kiểm tra thay thế kịp thời hệ thống điện bị chuột cắn và phải đi dây điện trong ống gen.

Lực lượng CNCH- CATP Hà Nội tiếp cận đưa thi thể nạn nhân vụ cháy tại nhà 311 Tôn Đức Thắng ra ngoài

Đối với việc thoát nạn trong những ngôi nhà có không gian, diện tích chật chội cần tính toán, bố trí sắp xếp khoa học đồ dùng và hàng hóa. Khi để xe máy trong nhà cần khóa van xăng, tránh tình trạng hư hỏng kim xăng bị chảy tràn ra nền nhà có thể nguy hiểm, cháy nổ. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần phải dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn, đổ vỡ. Không sạc điện thoại di động để trên các nệm mút, vải vóc, kiểm tra thường xuyên thiết bị tiêu thụ điện ban đêm'.

Cũng theo một số chuyên gia PCCC của CATP Hà Nội cho biết, muốn PCCC tốt, người dân cần phải lắp đặt thiết bị tự ngắt điện nguồn như Aptomat cho hệ thống điện chung toàn bộ ngôi nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn, không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.

Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

Không lắp lồng và lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và nếu khóa phải thông báo cho nhiều người trong gia đình biết nơi để chìa khóa, để khi có cháy dễ thoát nạn mà vẫn chống được trộm cắp tài sản, nhất là trộm đột nhập ban đêm./.

Nguồn: Anninhthudo
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu