Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao, cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của các loại hình dịch vụ kinh doanh, các nhà cao tầng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, chợ, trung tâm thương mại, các nhà máy, xí nghiệp với quy mô lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ.. Theo thống kê, tính riêng trong năm 2019 và 06 đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 190 vụ cháy, nổ; làm thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 20 tỷ đồng, 250 m2 thảm thực bì, 9,5 ha mía, hơn 8,5 ha rừng; làm 05 người chết, 19 người bị thương.

Với đặc trưng là tỉnh có địa bàn rộng, tỉnh Thanh Hóa có hơn 8500 cơ sở thuộc diện phải quản lý về PCCC, trong đó phòng Cảnh sát PCCC và CNCH quản lý 1259 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Nhằm phát huy được hiệu quả công tác PCCC, làm tốt công tác phòng ngừa, kiềm chế đến mức nguy cơ xảy ra cháy, nổ, đặc biệt là cháy, nổ lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Theo Điều 4, Luật phòng cháy chữa cháy quy định: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC; Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ. Chính vì vậy, nếu lực lượng tại chỗ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và chữa cháy kịp thời khi đám cháy mới phát sinh sẽ làm hạn chế phát sinh cháy, nổ và cháy lớn, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có cháy, nổ xảy ra. Muốn thực hiện được điều đó, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC; quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh phương châm 4 tại chỗ đó là: “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

    Tuy nhiên qua thực tế đánh giá về công tác PCCC thời gian qua cho thấy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC hiện này tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở mặc dù đã được nâng lên, song vẫnchưa phát huy được hiệu quả, việc tổ chức các hoạt động phòng cháy tại chỗ và chữa cháy ban đầu còn nhiều bất cập. Lực lượng chữa cháy tại chỗ tuy đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ PCCC nhưng ở nhiều nơi hiệu quả tổ chức chữa cháy ban đầu vẫn chưa cao, phát hiện và báo cháy chậm là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC chưa được tiến hành thường xuyên, chưa có biên bản kiểm tra theo quy định; nhiều cơ sở chưa tổ chức phối hợp, thực tập phương án chữa cháy giữa các lực lượng; chưa đầu tư kinh phí thường xuyên cho công tác PCCC và CNCH dẫn đến các phương tiện PCCC và CNCH hư hỏng, xuống cấp, nhiều nơi còn thiếu và thô sơ; nhiều tổ, đội PCCC chưa được tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH theo quy định. Đặc biệt ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở tư nhân và các hộ gia đình cá thể tuy có tăng lên nhưng đa phần vẫn còn chủ quan, chưa đáp ứng với yêu cầu nên việc tổ chức công tác PCCC tại cơ sở chưa đồng bộ dẫn đến số vụ cháy xảy ra ở nhóm đối tượng này chiếm đa số. Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chất lượng hoạt động của một số mô hình còn yếu và nặng về hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC.

Cán bộ Phòng PC07 kiểm tra công tác PCCC tại khách sạn Mường Thanh năm 2019

 

    Do vậy, để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nhằm góp phần làm tốt công tác PCCC, giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị người đứng đầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC, CNCH phù hợp với từng đối tượng quản lý. Hàng năm, phê duyệt chương trình, kế hoạch, kinh phí và chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH phù hợp với từng đối tượng tại cơ sở; cập nhật, bổ sung trong sổ theo dõi công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH của cơ sở.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm trong việc thành lập, duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành: Ban hành quyết định thành lập, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; việc thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành. Căn cứ quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở để quyết định về tổ chức, biên chế đội PCCC cơ sở, chuyên ngành hoặc tổ PCCC tại các phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập hoặc theo ca của cơ sở; lựa chọn người tham gia đội PCCC bảo đảm số lượng quy định và phù hợp với công tác PCCC, CNCH của cơ sở; lưu Quyết định trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC, CNCH của cơ sở và gửi đến cơ quan Công an trực tiếp quản lý địa bàn, cơ sở.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm trong việc ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về PCCC và CNCH: Ban hành Quyết định kèm theo nội quy, biện pháp PCCC, nội quy về công tác CNCH phù hợp với từng khu vực của cơ sở. Căn cứ tính chất nguy hiểm cháy, nổ của từng khu vực, hạng mục thuộc cơ sở (ví dụ: Nhà đa năng có công năng gara để xe, TTTM, văn phòng, khách sạn, chung cư…; nhà công nghiệp gồm: Nhà sản xuất, kho chứa, phụ trợ…) để ban hành nội quy, biện pháp PCCC và CNCH phù hợp với từng hạng mục, khu vực đó (nội quy, biện pháp về PCCC, CNCH có thể được ban hành riêng hoặc chung trong một quyết định). Chỉ đạo, tổ chức phổ biến các quy định, biện pháp PCCC và CNCH cho CBCNV của cơ sở; niêm yết nội quy, quy định tại các khu vực theo quy định và giám sát việc thực hiện; lưu trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC và CNCH của cơ sở.

Thứ , thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong việc bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Thứ năm, nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC và CNCH. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong việc xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH: Chỉ đạo, tổ chức khảo sát, xây dựng phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ sở hoặc bổ sung, chỉnh lý phương án khi có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy, CNCH; phê duyệt phương án chữa cháy, phương án CNCH theo thẩm duyền và đề nghị Cơ quan Công an phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở thuộc danh mục cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 66/2014/TT-BCA; tổ chức phổ biến phương án và thực tập phương án (phương án chữa cháy được thực tập không ít hơn một lần/năm; phương án CNCH được thực tập ít nhất hai năm một lần; thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn PCCC đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương hoặc quốc gia theo yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt phương án), lập báo cáo kết quả thực tập phương án, lưu trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC và CNCH của cơ sở.

Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm trong việc huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH: Hàng năm, phê duyệt chương trình, kế hoạch, kinh phí và chỉ đạo, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho các đối tượng theo quy định, đề nghị cơ quan Công an tổ chức kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH (trường hợp cơ sở không tự tổ chức huấn luyện, đề nghị cơ quan Công an tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận); cập nhật, bổ sung trong sổ theo dõi công tác tuyên truyền, bối dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH của cơ sở và Giấy chứng nhận huấn luyện cho đội viên đội PCCC trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC và CNCH của cơ sở.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở cần nâng cao trách nhiệm, triển khai phân công, phân cấp và kiểm tra, đôn đốc, đánh giá trong quản lý, thực hiện công tác PCCC và CNCH tại cơ sở do mình phụ trách, các đơn vị, cá nhân có chức trách, trách nhiệm tổ chức thực hiện, có như vậy, công tác PCCC tại các cơ sở, doanh nghiệp mới được nâng lên, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, an toàn PCCC, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân thúc đẩy sự phát triển của mỗi đơn vị./.

         

Nguồn: Quốc Đạt - Đ2
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu