Nguy cơ cháy nổ trong "nhà ống": Đâu là giải pháp?

Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận thời gian qua không khỏi thấy đau lòng và lấy làm lo lắng khi cả nước liên tiếp xảy ra những vụ cháy trong các “nhà ống” gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Vì vậy, giải pháp đề phòng cháy nổ trong các “nhà ống” chưa bao giờ lại nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay.

Mật độ “nhà ống” ở đô thị được xây dựng dày đặc, san sát nhau.

Bí thở với "nhà ống"

Tấc đất tấc vàng, điều này càng đúng ở các thành phố lớn, nhất là khi dân số ngày càng tăng thì việc xây dựng “nhà ống” là sự lựa chọn phổ biến. Đó cũng là lý do mà những dự án đất nền liền thổ (dạng ống) vẫn luôn cho giá trị thanh khoản cao trong phân khúc bất động sản. Trong quá trình xây dựng, nhà ống cũng không cần bản vẽ quá cầu kỳ, tiết kiệm nhiều chi phí và không mất nhiều thời gian, lại có thể cải tạo, nâng cấp từ 1 cho tới nhiều tầng dễ dàng nên phù hợp với đa số các hộ gia đình. Cũng chính vì vậy mà từ thành thị đến nông thôn, ở đâu cũng thấy “nhà ống” được xây dựng nhan nhản nhưng lại không hề đáp ứng các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là ở thành thị, số lượng “nhà ống” liền kề kéo dài đến cả km.

Có những ngôi nhà mới xây, cũng có những ngôi nhà đã cũ do lịch sử để lại nhưng đều giống nhau ở một điểm, đó là thiếu thông thoáng vì không thể thiết kế cửa sổ ở hai bên hông tường.

Trong khi đó, để đề phòng trộm cắp, các gia đình đều thi công khép kín, chỉ có cửa chính là nơi lấy ánh sáng và ra vào duy nhất. Thay vì lắp đặt cửa cánh, nhiều hộ lại lựa chọn cửa cuốn cho an toàn nhưng lại không thiết kế thêm cửa phụ bên cạnh. Những lúc mất điện, người dân chỉ có cách ngồi yên trong nhà giữa một không gian bí bách, ngột ngạt. Đã thế, tâm lý sống hiện nay là “nhà nào biết nhà ấy” nên trên sân thượng đều rào bằng song sắt, nếu xảy ra cháy nổ thì sẽ không có lối thoát hiểm. Trường hợp có phát hiện kịp thì người dân xung quanh và lực lượng phòng cháy, chữa cháy cũng không thể cứu được người, nhất là khi hỏa hoạn xảy ra vào đêm muộn.


Lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức chữa cháy nhà dân tại thành phố Sầm Sơn tháng 11-2020

Ám ảnh những vụ cháy kinh hoàng

Từ đầu năm đến nay, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ trong các ngôi nhà ống gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Ám ảnh nhất phải kể đến là vụ cháy ngôi nhà ống kết hợp kinh doanh sáp đèn cầy tại quận 11, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 7-5-2021 làm chết 8 người.

Khi nghe tiếng nổ lớn cùng tiếng la thất thanh của những người bên trong, rất nhiều người dân và lực lượng PCCC đã tìm cách cứu người nhưng do đám cháy lan rất nhanh, hơi nóng hầm hập nên không thể tiếp cận. Nhà chỉ có một cửa chính khiến cho các nạn nhân bị ngạt khói rất nhanh khi chưa kịp thoát thân.

Trước đó, ngày 4/4 tại phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội), một vụ cháy nhà ống kết hợp kinh doanh đồ sơ sinh cũng đã làm 4 người trong gia đình tử vong. Vụ cháy bắt đầu ở tầng 1 rồi lan ra cả ngôi nhà (gồm 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, không có lối thoát hiểm).

Tại địa chỉ số 899 đường Nguyễn Thị Định (phường Cát Lái, TP. Thủ Đức) ngày 30-3-2021 cũng đã xảy ra hỏa hoạn vào đêm khuya làm 6 người chết và 1 người bị thương nặng. Ngôi nhà 60m2, được xây theo dạng "nhà ống" chỉ có một cửa ra vào nhưng trước khi đi ngủ, gia đình lại dựng 5 chiếc xe máy ở trong nhà và chặn ngay cửa chính nên khi phát hiện, người trong nhà đã không thể thoát ra ngoài, người ở ngoài cũng không thể đập phá cửa kịp thời.

Người dân cần cảnh giác, phòng cháy hơn chữa cháy

Ông Lê Đức Thao, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Thanh Hóa cho biết: Người dân khi xây nhà nói chung và nhà ống nói riêng mới chỉ quan tâm đến diện tích sử dụng, sự phân bố các phòng và các tiện ích khác chứ không mấy ai nghĩ đến phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, đám cháy thường xảy ra ở tầng 1 - nơi dùng để nấu nướng và trưng bày, chứa các loại hàng hóa buôn bán, kinh doanh nên người dân có tâm lý chạy lên các tầng trên cao để chống cháy mà quên mất rằng, khói thường bay lên trên cao khiến các nạn nhân ngạt thở trước khi lửa lan đến.

Những lúc ấy, nếu có lối lên sân thượng, nạn nhân có thể đã kịp trèo sang hàng xóm hoặc nếu ban công không bị vây kín bởi sắt thì chỉ cần một sợi dây thừng, hoặc vài chiếc quần buộc vào nhau là người bên trong có thể thoát xuống đất dễ dàng.

Người dân không nên chủ quan, cho rằng việc cháy nổ chỉ là hi hữu mà cần nghiên cứu tạo lối thoát hiểm đối với những ngôi nhà đã xây dựng nhưng chỉ có một cửa ra vào. Đối với cơ quan chức năng, trong quá trình cấp phép xây dựng nhà ở tư nhân phải yêu cầu các gia đình không được bao kín, nếu cam kết đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ mới cấp phép cho xây dựng.

Cũng cùng quan điểm trên, Thượng tá Đào Đức Quý, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CNCH (Công an tỉnh Thanh Hóa) thông tin thêm: Ý thức của người dân chính là nguyên nhân căn bản bởi nếu có ý thức tốt, người dân đã thiết kế một lối thoát hiểm và chủ động trang bị các kiến thức về phòng, chống cháy nổ.

Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra điều kiện PCCC trong các ngôi “nhà ống” được sử dụng để kinh doanh.

 

Để giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng thoát thân khi xảy ra cháy nổ trong các ngôi nhà ống, Thượng tá Đào Đức Quý chia sẻ các giải pháp sau: Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, lô gia của nhà; tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí để chìa khóa trong nhà. Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt và cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Khi sử dụng bếp đun nấu cần hết sức cẩn thận. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; nên lắp đặt đầu báo dò khí gas tại khu vực đặt bình gas, bếp gas. Thiết kế, lắp đặt hệ thống điện bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng; có cầu dao, cầu chì, aptomat chung cho toàn nhà, từng tầng, nhánh. Bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà. Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.

Đối với nhà một cửa thoát hiểm cần thiết kế cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt hoặc dự trữ thang dây, dây thừng. Cầu thang bộ thoát nạn trong nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; hạn chế cầu thang xoắn ốc. Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 nên sử dụng cửa cửa cánh, hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng...

Tác giả: Mai Vui
Nguồn: Chuyên trang Văn hóa Đời sống
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu