Phòng chống cháy nổ tại các điểm du lịch tâm linh dịp Tết Nguyên đán
Để hạn chế nguy cơ cháy nổ trong thời gian cao điểm sắp tới, những ngày qua, Ban quản lý di tích Đền thờ Trần Hưng Đạo, ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá đã cho kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống điện trong đền. Bởi chập điện là một trong những nguyên nhân chính xảy ra cháy nổ.
Ông Lê Đăng Huỳnh, Thủ nhang Đền thờ Trần Hưng Đạo, ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Chúng tôi rất chú trọng lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Ban quản lý di tích cử cán bộ đi tập huấn về phòng cháy chữa cháy để về phục vụ tại di tích. Trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy. Có hệ thống loa nhắc nhở du khách chấp hành phòng cháy chữa cháy".
Tại một số điểm kinh doanh ở các khu du lịch tâm linh, đồ hàng mã bày bán tràn lan, chiếm phần lớn diện tích quầy hàng, thậm chí là được sắp xếp ngay cạnh các nguồn có khả năng gây cháy như ổ điện… Do đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh.
Chị Ngô Thị Vân, hộ kinh doanh tại Đền Cô Bơ, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Các hộ bán hàng rất có ý thức. Hàng dễ cháy là để xa nơi có thể cháy. Trời hơi nắng tí là sợ cháy rồi. Hay là tối đến đi ngủ tất cả bình ga phải khoá hết. Không để các nguồn cháy gần đồ dễ cháy".
Thanh Hóa hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bởi vậy, tại hầu hết các khu, điểm di tích, việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan trong dịp Tết và lễ hội xuân sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Chung, Thủ nhang Đền Cô Bơ, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Ban quản lý cùng nhà đền tập huấn cho nhân viên phục vụ ở khu vực đền để có kỹ năng cơ bản để phòng cháy chữa cháy. Không cho thắp hương trong đền. Toàn bộ mã sẽ giá để ngoài đền, không cho vào di tích. Chuẩn bị thiết bị phòng cháy ở các cung, các ban".
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá: "Dịp lễ hội đầu năm, chính quyền địa phương phối hợp với các nhà chùa, túc trực ở các điểm trong và ngoài chùa để khi có sự cố thì có bộ phận trực 24/24h để xử lý kịp thời".
Bên cạnh việc siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng cháy chữa cháy từ cơ quan chức năng, thì mỗi người dân khi đi dâng hương, lễ chùa, du xuân dịp Tết Nguyên đán cũng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ, với phương châm "phòng hỏa hơn cứu hỏa", góp phần bảo vệ an toàn cho các di tích, cũng như tài sản, tính mạng của chính mình và cộng đồng.
Nguồn: Đài PT - TH Thanh Hóa