Phòng chống cháy nổ tại chợ - Phải xuất phát từ ý thức

Xác định nâng cao nhận thức của các tiểu thương, Ban quản lý chợ về phòng cháy chữa cháy là giải pháp căn cơ để góp phần đảm bảo an toàn cháy nổ tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhiều năm qua, lực lượng Công an Thanh Hóa đã triển khai tuyên truyền thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức. Nhờ đó, ý thức của các tiểu thương và Ban Quản lý chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân không chỉ có nhiều kiến thức về phòng cháy chữa cháy hơn, mà còn chủ động tham gia vào công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại nơi mình kinh doanh, buôn bán.

Vừa kiểm tra, nhưng đồng thời cũng tuyên truyền, giải thích cho từng hộ tiểu thương những kiến thức cơ bản trong phòng ngừa nguy cơ cháy nổ và vì sao phải trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chỗ…Đây là công việc thường xuyên của các chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng lực lượng Công an địa phương từ nhiều năm qua, đặc biệt là những đợt cao điểm như mùa nắng nóng, thời tiết hanh khô và dịp trước Tết Nguyên đán.

 

 

Và khi đã hiểu rõ, những tiểu thương này trở thành người chủ động nhất trong việc phòng cháy chữa cháy. 

 

Tại khu chợ tập trung lớn nhất thành phố Thanh Hóa, những xô nước chữa cháy trước đây giờ đã được thay bằng những bình cứu hỏa tại chỗ do tiểu thương tự trang bị.

Ông Lưu Văn Quang, tiểu thương chợ Vườn Hoa, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lưu Văn Quang, tiểu thương chợ Vườn Hoa, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Các đồng chí cảnh sát phòng cháy chữa cháy thường xuyên đến kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn chúng tôi. Vì vậy mà ý thức của mọi người ngày càng tiến bộ hơn, các tiểu thương ở chợ cũng rất tự giác chấp hành."

Còn tại chợ Còng, thị xã Nghi Sơn, ký ức về vụ hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ 260 ki ốt của tiểu thương trong chợ vào năm 2019 là bài học kinh nghiệm quý giá để mỗi tiểu thương tại đây nâng cao ý thức cảnh giác trước hỏa hoạn khi chuyển sang khu chợ mới. Không còn tình trạng dây điện mắc ngang dọc như trước, cũng không có cảnh bày hàng hóa chắn hết lối thoát nạn.

 

 

Bà Vũ Thị Âu, tiểu thương chợ Còng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Được tuyên truyền thì chúng tôi hiểu là khi có cháy thì phải ngắt cầu dao điện ngay, gọi ngay số 114 rồi có thể sử dụng các trang thiết bị tại chỗ để có thể dập tắt đám cháy nhỏ, ngăn tình huống xấu xảy ra."

 

 

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 354 chợ truyền thống, trong đó có 283 chợ có Ban Quản lý. Ngoài việc chủ động hoàn thiện, kiểm tra thường xuyên hệ thống chữa cháy tại chợ, các Ban Quản lý còn là đơn vị nòng cốt thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, thực hiện diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng trực trong mọi tình huống.

 

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng Ban An ninh trật tự, Công ty Cổ phần chợ Vườn Hoa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng Ban An ninh trật tự, Công ty Cổ phần chợ Vườn Hoa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong dịp Tết, chúng tôi vẫn duy trì quân số đủ 12 người, 12 người này cũng nằm trong đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, ban ngày 6 người, ban đêm 6 người, trực luân phiên đến khi chợ mở cửa để đảm bảo xử lý được các tình huống phát sinh sớm nhất."

Cùng với việc tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức và kỹ năng phòng cháy chữa cháy của các tiểu thương, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Thanh Hóa cũng đã kiểm tra, thống kê các hạn chế, bất cập tại các khu chợ để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục. Những giải pháp đồng bộ này được kỳ vọng sẽ kéo giảm số vụ cháy nổ tại chợ về con số 0 và nhân rộng mô hình "Chợ đạt chuẩn về phòng cháy chữa cháy" trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: Tuyết Hạnh - Sỹ Thảo - Thanh Tùng
Nguồn: Đài PT - TH Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu