Bóng cười - mối nguy hại cho giới trẻ
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục cảnh báo về nguy cơ của việc hít túi khí N20 hay còn gọi là hít bóng cười đến sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế rất ít người nhận thức được tác hại lâu dài của thú vui này.
Bóng cười thực chất là những quả bóng bay bình thường được bơm khí N20. Đây là một hợp chất không màu, không mùi và có vị ngọt nhẹ. Vì khí N2O là một hóa chất công nghiệp thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và chỉ được dùng trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế nên nếu kinh doanh, sản xuất khí N2O không đúng quy định sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Bản chất khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Nhưng xu hướng sẽ tăng liều dần và gây nguy cơ ngộ độc.
Khi hít phải loại khí này sẽ khiến cơ thể có cảm giác hưng phấn, vui vẻ có thể cười nói mất kiểm soát, gây ảo giác khiến không gian xung quanh màu sắc và rực rỡ hơn. Việc lạm dụng khí cười có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng. Nhẹ thì có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần. Nhiều trường hợp người sử dụng bị ảnh hưởng nặng nề từ tác hại của bóng cười nên khó có thể hồi phục tổn thương, gây tàn phế suốt đời thậm chí gây đột quỵ, tử vong. Nguy hại hơn, việc dùng “bóng cười” cùng với các chất ma túy hoặc rượu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bị thương tổn nghiêm trọng hoặc tử vong. Vụ án 7 người chết sau đêm nhạc hội ở Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) là một ví dụ điển hình.
Vì sử dụng bóng cười, đã có không ít trường hợp thanh, thiếu niên phải nhập viện để điều trị với các biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Có những trường hợp bệnh nhân nữ chỉ mới hơn 20 tuổi nhập viện vì có dấu hiệu ngộ độc sau khi liên tục hít bóng cười trong 5 năm với tần suất 2-3 lần/tuần, mỗi lần 5-6 quả bóng. Nhiều bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi đã đi không vững, chân tay tê dại và được chẩn đoán, xác định tổn thương tủy cổ, biến chứng liệt không đi lại được.
Trong thời gian qua, mặc dù Phòng CSĐTP về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười trong các quán bar, quán pub, karaoke vẫn còn tiếp diễn. Việc mua bán càng trở nên đơn giản hơn với việc giao dịch trên mạng Internet, mạng xã hội.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên và quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh khí cười trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhóm các đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh... về tác hại của việc sử dụng khí cười, cũng như cách nhận biết, tác hại của ma túy “núp bóng” khí cười với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... đồng thời, đề nghị quần chúng nhân dân nếu phát hiện những đường dây, điểm, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy “núp bóng” khí cười, kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật./.