Cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản

Thời gian qua, tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều, diễn biến phức tạp, chủ yếu là trộm cắp xe máy, trộm đột nhập công sở, trường học, nhà dân, đập phá két sắt, cậy phá tủ, rương để trộm cắp tiền, vàng, tài sản... gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn.

Nguyên nhân chủ yếu là do người dân, người quản lý tài sản chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong quản lý và bảo vệ tài sản của mình như: Không khóa cổ, khóa càng xe máy, để phương tiện ở những nơi không có người trông giữ; cửa nhà, cửa tum khóa bằng các loại khóa không bảo đảm an toàn, thậm chí quên không khóa; các cơ quan, doanh nghiệp, trường học không có lực lượng bảo vệ chuyên trách, không lắp đặt hệ thống giám sát an ninh (camera ghi hình), hệ thống chiếu sáng, tường rào không bảo đảm, không có phương án tuần tra, bảo vệ canh gác, nhất là ban đêm, ngoài giờ...

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo:

1. Về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản

- Trước khi gây án các đối tượng thường di chuyển xung quanh khu vực gây án để nắm tình hình như: Thời gian, thói quen sinh hoạt của chủ tài sản, lối vào, lối ra, nơi gắn camera, thiết bị báo động…

- Lợi dụng sơ hở của người dân chủ quan không khóa cửa khi đi ra ngoài, khi ngủ; để xe trước cửa nhà, cửa phòng trọ, vỉa hè, lề đường không có người trông coi, không khóa cổ, khóa càng; để tài sản có giá trị gần cửa ra vào, cửa sổ…

- Đối tượng thường nhắm đến những hộ gia đình thường xuyên vắng nhà không có người trông coi, hộ gia đình biệt lập không quan hệ với bà con xung quanh, hộ không trang bị hệ thống chống trộm… hướng đột nhập thường là cổng chính, cổng sau, cửa sổ, của tum, ô thông gió…

- Các đối tượng phạm tội trộm cắp tài sản thường sử dụng kích thủy lực để phá cửa, kìm cộng lực để cắt khóa, đèn khò lửa để cắt khóa hoặc chìa khóa vạn năng, vam phá khóa “chữ T” để bẻ khóa trộm tài sản và sẵn sàng chống trả để tẩu thoát nếu bị phát hiện.

2. Về các biện pháp phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản

Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm trộm cắp tài sản Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị toàn thể cán bộ và Nhân dân nêu cao cảnh giác, luôn chủ động tự quản lý và bảo vệ tài sản của mình. Cụ thể:

- Đối với tài sản là xe máy: Cần trang bị thêm hệ thống chống trộm như khóa bánh, khóa càng, khóa chân chống và khóa điện để chống trộm, lắp hệ thống còi báo động… Chú ý để xe ở những nơi dễ quan sát, phải có người trông coi, để xe vào trong nhà, không nên để xe ở sân, trước cửa nhà hay hành lang, rút chìa khóa cất vào nơi an toàn.

- Đối với các hộ gia đình:

+ Cần gia cố các loại cửa, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống axit để chống cắt phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa tum, cửa ra ban công, sân thượng. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhiều ngày phải nhờ người trông coi. Nên làm tường rào ngăn chặn việc leo trèo từ cây xanh, trụ điện để đột nhập vào trong nhà, trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm để quan sát từ xa. Tạo mối quan hệ gắn bó với người xung quanh, phải biết số điện thoại của nhau để hỗ trợ khi cần thiết.

+ Hạn chế hoặc không để tiền mặt, tài sản có giá trị cao như vàng bạc, đá quý… trong nhà cũng như không chia sẻ thông tin, hình ảnh về kiến trúc nhà cửa, tài sản, lịch trình cá nhân khi vắng nhà lên các trang mạng xã hội. 

+ Thường xuyên hướng dẫn người già và trẻ em ở nhà phải khóa, chốt cửa, cổng cẩn thận; tuyệt đối không tự động mở cổng, cửa cho người lạ mặt vào nhà trước khi xác định được là bảo đảm an toàn.

+ Khi phát hiện kẻ trộm vào nhà phải bình tĩnh xử lý, bảo đảm an toàn cho người già, trẻ nhỏ, điện báo cho lực lượng chức năng, hàng xóm, người thân hỗ trợ khi đã đủ điều kiện an toàn; không lập tức hô hoán, truy bắt đối tượng có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

- Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học: Cần bố trí bảo vệ 24/24 giờ, thường xuyên tập huấn chuyên sâu về kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản cho cán bộ, công chức cơ quan nắm được để nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm. Lắp đặt hệ thống giám sát an ninh (camera, hệ thống báo động…) ở những vị trí quan trọng, nơi để tài sản có giá trị cao, xây dựng tường rào, thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt để bảo vệ tài sản.

- UBND xã, phường, thị trấn tổ chức cho các thôn, bản, khu phố tuần tra Nhân dân để phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ các đối tượng trộm cắp tài sản; đặt biển cảnh báo ở những nơi công cộng thường xuyên xảy ra mất trộm để mọi người dân cảnh giác phòng ngừa tội phạm trộm cắp.

Công an tỉnh Thanh Hóa kêu gọi toàn thể cán bộ và Nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về các đối tượng trộm cắp, tiêu thụ tài sản trộm cắp thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an gần nhất hoặc gọi điện thoại về đường dây nóng Công an tỉnh: 02373.725.725 để lực lượng Công an kịp thời xử lý.

Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo đến mọi tổ chức và công dân trên toàn tỉnh để đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình, phối hợp với lực lượng Công an phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với tội phạm trộm cắp tài sản; Vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân./.

Tác giả: Ban biên tập
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu