Đấu tranh quyết liệt với tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 334 giấy phép khai thác khoảng sản, trong đó có 209 mỏ khoáng sản đang hoạt động. Bên cạnh nhu cầu xây dựng của người dân, việc triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình trọng điểm về kinh tế, giao thông khiến nhu cầu sử dụng khoáng sản (đất, đá, cát, sỏi) để thi công dự án tăng cao, trong khi quy hoạch nguồn khoáng sản trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến việc khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn nhiều phức tạp, gây ảnh hưởng đến ANTT.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, từ năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh huy động các cấp, các ngành vào cuộc trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm về tài nguyên khoáng sản; tham mưu các cấp, các ngành gần 20 kiến nghị; Giám đốc chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách pháp luật mới về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, nhất là Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; triển khai 4 đợt cao điểm để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến tài nguyên khoáng sản...

Lực lượng Công an tăng cường kiểm tra các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn

Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tích cực trong giải quyết các vấn đề quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản; tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết khoáng sản nói riêng; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác, chế biến, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản.

Riêng lực lượng Cảnh sát môi trường từ Công an tỉnh đến Công an các huyện, thị xã, thành phố đã thường xuyên tăng cường các biện pháp điều tra cơ bản, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép. Thường xuyên quản lý, kiểm tra xác minh, phát hiện các bến, bãi tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép; bến, bãi có yếu tố sử dụng đất được cơ quan Nhà nước giao, cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích để xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định; đồng thời, chỉ đạo thu hồi đất, giải tỏa, yêu cầu tự tháo dỡ, chấm dứt hoạt động; nếu không chấp hành thì phải tiến hành cưỡng chế theo quy định. 

Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường đã kiểm tra 73 vụ việc đối với 30 tổ chức, 65 cá nhân, qua đó phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, kiến nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; khởi tố 1 vụ vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; tham mưu xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 4,5 tỉ đồng; thu giữ 4 máy xúc, 1 ôtô, 27 máy nổ, vòi hút cát, hàng nghìn m3 đất, đá, cát, sỏi liên quan đến các hành vi vi phạm…

Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản

Điển hình: Ngày 4/9/2020, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an huyện Triệu Sơn kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu thương mại Việt Lào (có địa chỉ tại thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn) khai thác khoáng sản (đất đồi) vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép. Qua đó đã tham mưu  Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định xử phạt gần 50 triệu đồng. Ngày 30/1/2021, phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng Trần Văn Sơn, Trần Văn Ly (ở phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Phương (ở huyện Thọ Xuân) đang khai thác cát, sỏi trái phép, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền trên 120 triệu đồng. Ngày 23/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Nam (sinh năm 1972), ở huyện Thọ Xuân về hành vi khai thác cát trái phép tại bãi bồi sông Chu thuộc địa bàn thôn Kim Ốc, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân...

Thượng tá Lê Xuân Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian tới, tình hình liên quan đến tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài nguyên khoáng sản còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, bên cạnh việc làm tốt công tác tham mưu, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, Công an các huyện, thị xã, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đấu tranh, xử lý đối với các đối tượng bảo kê, can thiệp đến các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản. Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nếu tiếp tục tái phạm sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động…

Tác giả: Đình Hợp
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu