Tăng cường công tác quản lý các phương tiện xe tự chế

Theo Chỉ thị số 46 ngày 09/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 ngày 28/12/2007 của liên Bộ Công an - Giao thông vận tải, kể từ ngày 01/01/2008 cấm lưu hành đối với các loại xe “tự chế” bao gồm: Xe công nông; xe máy kéo nhỏ phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và xe thô sơ 3, 4 bánh nếu không làm thủ tục đăng ký, cấp biển số theo quy định hiện hành; xe cơ giới 3 bánh, chỉ trừ xe cơ giới 3 bánh dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật (không chở thêm người và hàng hóa) có đăng ký, biển số…

Mặc dù đã bị cấm và thường xuyên được các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tuy nhiên hiện nay các loại xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ- moóc để vận chuyển nông, lâm sản, vật liệu xây dựng… vẫn còn lưu thông trên các tuyến giao thông đường bộ, nhất là trên các tuyến đường liên thôn, xã.

 

Trên một số tuyến đường giao thông liên thôn, xã các loại xe tự chế vẫn còn lưu thông

 

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Loại xe này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao, vì đây đa số là phương tiện do các cơ sở sản xuất tự phát thiết kế, không bảo đảm các chỉ số an toàn, chắp vá từ nhiều vật liệu, thậm chí được lắp ghép từ phụ tùng của các xe ôtô đã hết niên hạn sử dụng; người điều khiển hầu như không được đào tạo, hướng dẫn điều khiển, đa số là lao động giản đơn ở nông thôn, không có giấy phép lái xe; phương tiện không qua đăng kiểm..vv.. Mặc dù, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đã quy định rõ: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”, tuy nhiên việc xử lý cũng còn gặp nhiều khó khăn.

 

Một vụ tai nạn giao thông do xe tự chế gây ra

 

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xe tự chế, thời gian qua Công an tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch, phương án và mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết tạm giữ phương tiện xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử lý và tịch thu theo quy định. Riêng Phòng CSGT Công an tỉnh đã thường xuyên phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê số lượng phương tiện xe công nông, xe tự chế trên địa bàn từng xã, từng thôn bản để tuyên truyền cho nhân dân, nhất là chủ các phương tiện xe tự chế hiểu rõ các quy định của pháp luật về cấm lưu hành xe tự chế; vận động các chủ phương tiện ký cam kết không lưu thông xe trên các tuyến đường bộ.

 

Song song với công tác tuyên truyền, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành rà soát, lập danh sách quản lý đối với các cơ sở sản xuất lắp ráp, số hộ dân sử dụng các loại xe cơ giới 3 bánh tự chế, không có đăng ký; số xe thô sơ 3, 4 bánh tự chế không có đăng ký; yêu cầu các chủ cơ sở chấm dứt việc sản xuất, lắp ráp và các chủ phương tiện cam kết không cho người khác thuê mướn để sử dụng, lưu hành loại phương tiện này.

 

Lực lượng CSGT tuyên truyền, xử lý các phương tiện xe tự chế vi phạm

 

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ; Nghị định số 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng GPLX từ 1- 3 tháng đối với các hành vi điều khiển các loại xe ôtô, xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trái quy định (bao gồm xe công nông) tham gia giao thông; phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng GPLX từ 1- 3 tháng đối với các hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông; Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, áp dụng tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng GPLX khi điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông.

 

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, thông qua công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT, Phòng CSGT Công an tỉnh đã xử lý 25 trường hợp sử dụng xe tự chế lưu thông trên các tuyến giao thông, phạt tiền trên 200 triệu đồng, tạm giữ 25 phương tiện.

 

Cùng với đó, Công an đã tham mưu thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị phương tiện “tự chế” làm căn cứ xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền, tước giấy phép, chứng chỉ chuyên môn và tịch thu phương tiện); báo cáo các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành thanh lý, bán phế liệu, sung công quỹ đối với các phương tiện bị tịch thu theo quy định. Qua đó, góp phần làm giảm tình trạng xe tự chế “cấm lưu thông” hoạt động trên các tuyến giao thông, đảm bảo an toàn cho cả người lái xe và người tham gia giao thông./.

                                                  

Tác giả: Minh Phương
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu