Phát huy vai trò Nhân dân giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bài 1:  “Những ngọn đèn pha soi sáng”

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “tham nhũng là giặc nội xâm” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. 

Dân kiểm tra, dân giám sát

Sau khi Bộ Chính trị khóa VIII  ban hành Chỉ thị số 30 “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” (năm 1998), Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định về quy chế thực hiện dân chủ ở xã, cơ quan, doanh nghiệp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34 “Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Kể từ đây phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã đi vào cuộc sống tạo nên những chuyển biến tích cực. Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân (TTND), Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (Ban GSĐTCCĐ) mà mình là thành viên tham gia. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục quy định rõ quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN), nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cả xã hội trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Ý thức được vai trò của mình, thời gian qua, hoạt động của các Ban GSĐTCCĐ ở phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn đã phát huy được hiệu quả. Bác Nguyễn Duy Biên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường cho biết: Qua giám sát việc thi công các dự án, công trình trên địa bàn, Ban GSĐTCCĐ đã phát hiện, kiến nghị với chủ đầu tư  chỉ đạo đơn vị thi công khắc phục việc thi công sai hố ga, khe thoát nước mương hộp, kiến nghị nâng cốt nhà văn hóa bằng mặt đường (điều chỉnh thiết kế) để tránh lãng phí công trình khi đưa vào sử dụng. Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Ban GSĐTCCĐ, Chủ tịch UBND phường Xuân Lâm Nguyễn Bá Trí khẳng định: “Ban GSĐTCCĐ đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc giám sát thi công các công trình xây dựng. Các công trình này đã hoàn thành đạt chất lượng theo yêu cầu đặt ra và bảo đảm tiến độ thi công”.

Tại xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, các Ban GSÐTCCÐ cũng hoạt động khá tốt. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Quá trình giám sát xây dựng công trình trường học của xã, thấy có dấu hiệu sai lệch, Ban GSĐTCCĐ đã đề nghị với chủ đầu tư, nhà thầu kiểm tra lại mác bê tông, bổ sung cốt sắt làm giầm như trong thiết kế. Trong quá trình thi công, do thiết kế chưa phù hợp với trường chuẩn mức độ 2 nên phải thay đổi thiết kế giữa chừng, để đảm bảo cho kết cấu công trình Ban GSĐTCCĐ đã đề xuất chủ đầu tư mời tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát kỹ thuật tính toán lại. Giám sát quá trình thi công đường bê tông ngoài cánh đồng ở thôn Tỉnh Thôn 1, Ban GSĐTCCĐ đã kiến nghị để nhà thầu phải bảo đảm đúng chủng loại đá và lu lèn lại nền đường. Mọi đề xuất, kiến nghị của các Ban GSĐTCCĐ đưa ra đều được chủ đầu tư chấp thuận, nhà thầu khắc phục. 

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, chỉ tính trong 5 năm gần đây (2016-2021) các Ban TTND trong toàn tỉnh đã tổ chức giám sát 4.667 vụ, việc và đã kiến nghị giải quyết 3.335 vụ, việc; các Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát 7.080 công trình, dự án đầu tư của Nhà nước và của cộng đồng trên địa bàn dân cư; qua giám sát đã kiến nghị xử lý trong quá trình thực hiện 1.434 công trình, dự án có vi phạm đến quyền, lợi ích của cộng đồng dân cư. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát đã sớm phát hiện, ngăn ngừa những vi phạm để tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân, góp phần đảm bảo chất lượng các công trình. 

Hàng loạt cơ chế tạo điều kiện và hành lang pháp lý của Đảng và Nhà nước, đã làm cho Nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động giám sát, thể hiện rõ trách nhiệm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế - xã hội đến xây dựng Đảng. Trong quá trình dõi theo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Nhân dân các địa phương đã mạnh dạn có ý kiến về các cán bộ ứng cử, giúp các cấp ủy đảng kịp thời đưa những quyết định hợp lòng dân, đảm bảo chất lượng cho công tác bầu cử. Chẳng hạn như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thoa,  nguyên trưởng thôn Nội Thôn, xã Hà Bình (Hà Trung) do trong thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, thực hiện các khoản thu không đúng theo quy định của pháp luật; hay trường hợp của ông Hà Nguyên Phấn, nguyên Phó bí thư Đảng ủy (nhiệm kỳ 2020-2025), nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long (nhiệm kỳ 2016-2021) do để xảy ra nhiều vi phạm trong thời gian giữ chức chủ tịch ủy ban MTTQ xã Vĩnh Long, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức, gây thất thoát lãng phí tiền của Nhà nước, đã được đưa ra khỏi danh sách tái cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026…

Trong công tác cán bộ, bên cạnh vai trò của y ban kiểm tra các cấp, “kênh” giám sát của nhân dân ngày càng phát huy hiệu quả. Sai phạm của các ông: Lê Văn Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lang Chánh, do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp; Thịnh Văn Oanh, nguyên Huyện ủy viên nhiệm kỳ 2005-2010, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, nhiệm kỳ 2015 -2020, không trung thực trong việc kê khai hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ; sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH không hợp pháp… là những trường hợp được quần chúng phản ánh gần đây thông qua giám sát thực tiễn, đều được cơ quan thẩm quyền xử lý.

Từ Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) đến Quyết định số 217- QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218- QĐ/TW ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đã đưa hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GSPBXH) cũng như tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân ngày càng mở rộng, hiệu quả, thực chất hơn. 

Những vụ án được phanh phui từ nguồn tin Nhân dân cung cấp

Từ chủ trương của Đảng, được cụ thể hóa trong các luật như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018... , người dân đã hiểu rõ hơn quyền của mình nên đã chủ động tố giác các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Từ sự dũng cảm của quần chúng tố giác hành vi sai trái, đã có nhiều vụ việc, vụ án được đưa ra  ánh sáng.

Năm 2017, quá trình xây dựng nông thôn mới, ông Lê Đình Hợi, trưởng thôn Đồng Trung (xã Yên Lạc, huyện Như Thanh) đã hợp đồng mua vật liệu xây dựng của ông Trương Đăng Cảnh cư trú tại thôn Đồng Trung với số tiền 31,86 triệu đồng và hẹn số tiền này khi nào lấy được tiền thưởng nông thôn mới sẽ trả. Đến tháng 4/2019, thôn Đồng Trung xây thêm một số hạng mục công trình khác. Trưởng thôn Lê Đình Hợi đã hợp đồng với nhà thầu là ông Trương Đăng Cảnh với tổng số tiền xây dựng  là 215,41 triệu đồng. Ông Trương Đăng Cảnh đã được trưởng thôn Lê Đình Hợi đại diện thôn thanh toán số tiền 126 triệu đồng, số tiền còn lại được thỏa thuận trong hợp đồng là thời hạn kết thúc thanh toán vào ngày 30/12/2019.  Tuy nhiên, sau khi đã hết thời hạn và biết được tiền thưởng nông thôn mới đã được ông Hợi rút về, nhưng ông Hợi cứ khất lần không trả, ngày 27/3/2020  ông Trương Đăng Cảnh đã làm đơn gửi đến UBND xã, Công an xã Yên Lạc để tố giác, đề nghị  giải quyết sự việc. Sau khi tiếp nhận thông tin, xác minh, làm rõ, cho thấy nội dung tố giác của ông Trương Đăng Cảnh là có cơ sở, đồng thời phát hiện thêm trong thời gian ông Lê Đình Hợi làm trưởng thôn đã để ra nhiều sai phạm khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Thanh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Lê Đình Hợi về tội danh tham ô tài sản. 

Một vụ việc khác, năm 2018, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ  nghèo theo Quyết định số 102/2009/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cuối năm 2018, anh Bùi Văn Thực, Trưởng thôn Đồng Thanh nhận được đơn phản ánh của ông Bùi Văn Rơn, một hộ dân trong thôn, về việc chưa nhận được tiền chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo. Qua rà soát,  thôn  Đồng Thanh có 15 hộ nghèo thì cả 15 hộ chưa được nhận, với tổng số tiền là 5,2 triệu đồng. Do đó anh Thực đã lên UBND xã Thượng Ninh để phản ánh với lãnh đạo xã. Kết quả rà soát lại của  UBND xã ở tất cả các thôn cho thấy có 60 hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ (số tiền 22.160.000 đồng);  93 hộ chưa nhận được số tiền hỗ trợ đủ theo định mức quy định (số tiền 6.994.000 đồng). Vụ việc đã được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân tiếp nhận, tiến hành xác minh, nhận thấy có dấu hiệu tội tham ô tài sản và đã ra quyết định khởi tố vụ án, hiện vẫn đang trong quá trình điều tra. 

Từ lá đơn tố giác của bà N.T.K, một người dân xã Định Công, huyện Yên Định về việc công chức có hành vi nhũng nhiễu, sau khi vào cuộc để xác minh, làm rõ sự việc, ngày 09/01/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Tâm, cán bộ chính sách xã Định Công, huyện Yên Định với tội danh nhận hối lộ. 

Có thể thấy khi người dân nhận thức được chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm” và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng thì đây sẽ lực lượng to lớn nhất, giúp cho Đảng và Nhà nước phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò giám sát, đấu tranh PCTN của quần chúng Nhân dân, cũng như vai trò giám sát phản biện xã hội của MTTQ vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Tác giả: Việt Linh – Phan Nga – Thái Thanh
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu