Cảnh báo tình trạng mua bán pháo nổ trái phép qua mạng xã hội

Mặc dù pháp luật và Nhà nước đã cấm pháo nhiều năm nay, nhưng cứ vào dịp Tết nguyên đán, tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ lại diễn biến phức tạp. Đáng nói là hiện nay, thay vì lén lút mua bán, nhiều đối tượng coi thường pháp luật đã công khai buôn bán pháo lậu trên mạng xã hội Facbook. Điều nguy hiểm là một bộ phận tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh vì thiếu hiểu biết và nông nổi đã sử dụng mạng xã hội để giao dịch mua bán pháo nổ trái phép, dẫn đến những hậu quả khó lường. Điều này cũng gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý việc thẩm lậu pháo vào địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Ngày 20/1/2021, Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa đã xét xử công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Tào Trung Duy, sinh năm 1999 ở xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Quang Quang về hành vi “Tàng trữ hàng cấm” với mức án 15 tháng tù giam. Theo cáo trạng: Duy đã liên hệ và đặt mua của một người có nick name là “Pháo hoa” trên mạng xã hội một số lượng lớn pháo hoa trọng lượng 7,9kg với giá thỏa thuận là 1.600.000 đồng nhằm mục đích để sử dụng vào dịp Tết nguyên đán. Sau khi nhận hàng tại một khu đất trống ở gần khu vực siêu thị Big C, Duy đã mang toàn bộ số pháo mua được về nhà trọ ở phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa cất dấu. Đến 22 giờ cùng ngày, thấy lực lượng Công an đến rà soát, kiểm tra, lo sợ bị phát hiện, Duy đã mang toàn bộ số pháo trên ra đầu thú. Nỗi đau sau phiên toà, ngoài những giọt nước mắt muộn màng của Duy chỉ vì nông nổi đã phải chịu mức án 15 tháng tù giam khi tuổi đời mới bước qua ngưỡng 20 còn là hình ảnh người mẹ già bệnh tật lặn lội từ huyện miền núi tỉnh Tuyên Quang đến dự phiên tòa xét xử con trai.

Lực lượng công an kiểm tra, tuyên truyền các hộ kinh doanh 
không buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép

Mới đây nhất, Phòng An ninh điều tra đã phát hiện đối tượng  Đào Xuân Ngọc, sinh năm 1996 ở xã An Nông, huyện Triệu Sơn vận chuyển trái phép 8kg pháo nổ. Qua đấu tranh khai thác, Đào Xuân Ngọc khai nhận đã lên mạng Facebook tìm mua pháo hoa nổ của một đối tượng ở tỉnh Bình Phước. Khi Ngọc bắt xe khách vận chuyển số pháo trên về đến địa bàn huyện Triệu Sơn thì bị bắt giữ. Hiện nay, Cơ quan công an đang tạm giữ Đào Xuân Ngọc về hành vi “Buôn bán hàng cấm” quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 190, Bộ Luật hình sự

Từ 2 vụ việc cụ thể trên có thể thấy tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo qua mạng xã hội trong những ngày cận Tết Nguyên đán có những diễn biến khá phức tạp. Có lẽ chưa bao giờ tình trạng mua bán pháo nổ trên mạng xã hội lại diễn ra một cách công khai, phức tạp như hiện nay. Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán pháo” trên thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook sẽ cho ra hàng loạt các trang, hội, nhóm bán pháo rất đa dạng và phức tạp.

Tiềm ẩn hành vi vi phạm pháp luật từ những trang mạng xã hội này không chỉ là hành vi buôn bán pháo nổ trái phép, có không ít đối tượng sẽ lợi dụng nhu cầu mua pháo vào dịp Tết Nguyên đán của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.Trong những trường hợp này, người mua đành chấp nhận im lặng khi bị lừa do đa số các tài khoản bán pháo đều là tài khoản ảo, sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác…

Nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo trên địa bàn dịp trước, trong và sau Tết, lực lượng Công an đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh có hiệu quả với hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, rà soát những đối tượng có biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật về pháo để có biện pháp quản lý, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho bản thân và gia đình cũng như góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mỗi người dân cần “nói không với pháo nổ”, tránh rơi vào cạm bẫy của những đối tượng lừa đảo hay nghiêm trọng hơn là tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật./.

Tác giả: Hà Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu