Các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa nổ, pháo hoa

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo. Để thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần hiểu biết về các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa nổ, pháo hoa để tránh bị nhầm lẫn, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Cụ thể:

I. Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ

1. Tết Nguyên đán

a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.

2. Giỗ Tổ Hùng Vương

a) Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09 tháng 3 âm lịch.

3. Ngày Quốc khánh

a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.

4. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ

a) Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.

5. Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)

a) Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.

6. Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

7. Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

8. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

Ảnh: Pháo hoa (nguồn Internet)

 

II. Sử dụng pháo hoa

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Mọi hành vi vi phạm tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 100.000.000đ hoặc bị xử lý hình sự theo các tội danh như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, Tội gây rối trật tự công cộng...

Hiện nay, lực lượng Công an đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo trái phép. Các cá nhân, tổ chức không được phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm, các đối tượng lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để mua bán, sử dụng các loại pháo nổ khác.

Công an Thanh Hóa kêu gọi các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn toàn tỉnh tuyệt đối không chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo; tích cực phát hiện, tố giác và giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh với các hành vi vi phạm… Mọi thông tin về tội phạm và vi phạm về pháo, đề nghị các tổ chức, cá nhân cung cấp kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc số điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh 02373.725.725 hoặc lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113, góp phần để mọi người, mọi nhà đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tiết kiệm, bình an, hạnh phúc và quê hương Thanh Hóa ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp./.

Tác giả: Dương Đức Trường, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu