Kiên quyết xử lý “tín dụng đen”

Thời gian qua, tình hình tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay còn gọi là “tín dụng đen” ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tinh vi, kéo theo nhiều hệ lụy như: cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tác động xấu đến an ninh trật tự tại địa phương. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quân đấu tranh, kiên quyết triệt xóa các đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

Lợi dụng nhu cầu một bộ phận người dân cần vay vốn ngắn hạn và một bộ phận người dân tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội như: đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy nên đã tìm đến các đối tượng để vay tiền, tín dụng đen ngày càng nở rộ len lỏi từ các vùng đô thị cho đến nông thôn, miền núi.

 

Với lợi thế nhanh, gọn, không phải thế chấp, không thủ tục, chỉ việc ký vào sổ ghi nợ có thể dễ dàng được vay với số tiền từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, nhiều người dù cẩn thận nhưng vẫn dính bẫy của các đối tượng, để lại những hậu quả đáng tiếc.

 

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Trưởng Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tín dụng đen có thể hiểu là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước còn gọi là cho vay nặng lãi. Hoạt động này có chiều hướng gia tăng và phức tạp trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội".

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian vừa qua, tại nhiều huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" núp bóng các cơ sở kinh doanh cầm đồ và cho vay dịch vụ tài chính. Thậm chí, khi kiểm tra các cơ sở này, có những cơ sở cho vay với số tiền lãi "cắt cổ", với mức 50.000/1 triệu/ngày.

Kiên quyết xử lý “tín dụng đen” - Ảnh 4.

Cụ thể như, vừa qua, Công an huyện Triệu Sơn đã huy động nhiều cán bộ chiến sĩ, phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an TP. Thanh Hóa và Công an huyện Thọ Xuân đồng loạt khám xét khẩn cấp 6 điểm (trong đó có 4 điểm trên địa bàn huyện Triệu Sơn, 2 điểm ở TP. Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân). Qua khám xét tại các cơ sở này, cơ quan điều tra thu giữ 77 xe máy, 2 xe ô tô, hơn 1,2 tỉ đồng tiền mặt, hàng trăm giấy tờ cầm cố, thế chấp khác như sổ đỏ, ô tô, xe máy các loại; hồ sơ mua bán nhà đất… 

 

Riêng đối tượng Hà Quang Hậu ở thị trấn Triệu Sơn đã cho khoảng 200 bị hại vay với tổng số tiền trên 5 tỉ đồng, lãi suất dao động từ 3.000 đồng đến 50.000 đồng/1triệu/ngày. Theo quy định của pháp luật, những hành vi này sẽ bị xử lý hình sự.

Để đẩy lùi tình trạng cho vay "tín dụng đen", ngày 29/3 vừa qua, gần 2.500 cán bộ chiến sĩ các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra 735 cơ sở cầm đồ, cho vay dịch vụ tài chính trên địa bàn toàn tỉnh.

Kiên quyết xử lý “tín dụng đen” - Ảnh 6.

Theo kết quả kiểm tra bước đầu, trong số 735 cơ sở kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, lực lượng công an đã phát hiện 405 cơ sở vi phạm các quy định như không đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; sổ sách ghi chép không đảm bảo; cầm cố xe chính chủ không có giấy ủy quyền… Qua đó, cơ quan điều tra tạm giữ hơn 600 phương tiện ô tô, mô tô và các tài liệu khác có liên quan đến việc vi phạm trong hoạt động cầm cố và tài chính "tín dụng đen".

Thượng tá Hoàng Văn Bình, Phó Trưởng Công an huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trên địa bàn huyện Quảng Xương, tình hình tội phạm, hoạt động "tín dụng đen" có nhiều biểu hiện phức tạp. Các đối tượng cho vay lãi nặng hoạt động hết sức tinh vi bằng cách thành lập các công ty tài chính, cơ sở dịch vụ cầm đồ hoặc tổ chức chơi bốc thăm hụi, họ, bươu, phường...nhằm lén lút cho vay với lãi suất cao".

Đợt ra quân kiểm tra lần này nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tội phạm "tín dụng đen" núp bóng các cơ sở kinh doanh cầm đồ và cho vay dịch vụ tài chính để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, từ đó kiến nghị các giải pháp để siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm.

Tác giả: Lê Nụ - Hữu Dần
Nguồn: Đài PTTH Thanh Hoá
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu