Nguyên tắc và các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo
Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo. Để thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức về nguyên tắc và các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo để tránh bị nhầm lẫn, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Cụ thể:
1. Nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Việc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định vả bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường.
- Người quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định.
- Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo và các loại giấy phép bị mất, hư hỏng phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền.
- Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo khi không còn nhu cầu, hết hạn sử dụng, không còn khả năng sử dụng phải được tiêu hủy theo quy định.
- Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm đúng trình tự, an toàn, bảo vệ môi trường và theo quy định của pháp luật.
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
- Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
- Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
Mọi hành vi vi phạm tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 100.000.000đ hoặc bị xử lý hình sự theo các tội danh như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, Tội gây rối trật tự công cộng...
Ảnh: Một số loại pháo nghiêm cấm sử dụng (nguồn Internet)
Hiện nay, lực lượng Công an đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo trái phép. Các cá nhân, tổ chức không được phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm, các đối tượng lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để mua bán, sử dụng các loại pháo nổ khác.
Công an Thanh Hóa kêu gọi các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn toàn tỉnh tuyệt đối không chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo; tích cực phát hiện, tố giác và giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh với các hành vi vi phạm… Mọi thông tin về tội phạm và vi phạm về pháo, đề nghị các tổ chức, cá nhân cung cấp kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc số điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh 02373.725.725 hoặc lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113, góp phần để mọi người, mọi nhà đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tiết kiệm, bình an, hạnh phúc và quê hương Thanh Hóa ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp./.