Công an huyện Thường Xuân: Tăng cường công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thường Xuân là huyện miền núi có chung 17 km đường biên giới với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Đây là địa bàn có đông đồng bào các dân tộc: Thái, Mường, Kinh cùng chung sống. Do phong tục, tập quán và đặc điểm môi trường sinh sống, nên người dân vẫn có thói quen lưu giữ, sử dụng các loại súng săn, súng tự chế, cung nỏ, dao, kiếm... để săn bắt bảo vệ mùa màng.

Để tăng cường công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thời gian qua, Công an huyện Thường Xuân đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy- chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân dân tộc ít người về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như cảnh báo những hậu quả, tác hại của việc tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

 

Người dân xã Xuân Thắng tự giác giao nộp súng tự chế

 

Với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” Công an huyện Thường Xuân đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng và lực lượng Công an cơ sở tranh thủ và phát huy vai trò của những người có uy tín, già làng, trưởng bản, cán bộ cốt cán trong đồng bào các dân tộc, để tuyên truyền vận động nhân dân vừa tự giác giao nộp, vừa tích cực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 

Theo Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Thường Xuân: Do tính chất địa bàn và đặc điểm dân cư, tình trạng sử dụng vũ khí tự chế trên địa bàn huyện Thường Xuân diễn ra khá phức tạp. Để chấn chỉnh tình trạng này, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành chỉ thị số 07, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành, trong đó giao cho lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt trong việc quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Theo đó các lực lượng đã thường xuyên phối hợp xuống tận thôn bản để tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp các loại vụ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thông qua đó bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức, thói quen, tập tục của đa số đồng bào các dân tộc trong việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 

Song song với công tác tuyên truyền, Công an huyện Thường Xuân đã phối hợp với các ban ngành chức năng tiến hành rà soát, lập danh sách các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có đăng ký sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để kiểm tra, lập danh sách quản lý và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để xảy ra mất mát, lọt ra bên ngoài. Đồng thời liên tục mở các đợt cao điểm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thường xuyên phối hợp tuần tra nhân dân, tuần tra vũ trang để điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 

Công an xã Tân Thành phối hợp tuyên truyền và vận động giao nộp hàng chục khẩu súng tự chế

 

Do triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, nên công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn huyện Thường Xuân đã có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, công an huyện Thường Xuân đã thu hồi và vận động nhân dân giao nộp gần 400 khẩu súng cùng nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác. Tuy nhiên, qua công tác rà soát, nắm tình hình, việc tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân vẫn còn, do vậy công tác này cần phải được tăng cường và thực hiện thường xuyên, liên tục.

 

Ông Vi Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Thường Xuân sẽ tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt, bằng những hình thức cụ thể như ngoài việc tuyên truyền, vận động tại các hội nghị toàn dân, chúng tôi sẽ thành lập các tổ vận động ở các thôn, bản, khu dân cư đến từng nhà dân để vận động, thuyết phục và thu hồi một cách triệt để số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang còn lưu giữ trong nhân dân./.

Tác giả: Đình Hợp
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu