Tối 27/10, tại Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc (phường Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn), tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 - 2024) và khánh thành Khu lưu niệm.
Dự Lễ kỷ niệm, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Về phía tỉnh Thanh Hóa, có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành bạn; đại diện Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, và đông đảo Nhân dân TP.Sầm Sơn.
Diễn văn Lễ kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trình bày nêu rõ: Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ là dịp để chúng ta gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc, mà còn là dịp để chúng ta tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhắc nhớ chúng ta về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm “Bắc - Nam một nhà”, không thể nào chia cắt.
Ngay sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại để lãnh đạo cuộc chiến đấu ở miền Nam và chuyển hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc... Vào thời điểm lịch sử ấy, Thanh Hóa vinh dự là nơi đầu tiên của miền Bắc, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết...
Ngày 25/9/1954 đã trở thành thời khắc lịch sử không thể nào quên, con tàu đầu tiên, đã rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới - Sầm Sơn giữa tiếng reo mừng của hàng ngàn người dân Thanh Hóa, hân hoan chào đón những người con thân yêu của miền Nam ruột thịt. Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội, 1.869 thương bệnh binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết; và là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước.
Sau những ngày đón tiếp, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam đã được đưa đến nhiều tỉnh, thành của miền Bắc, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng... để lao động, học tập và công tác. Những người ở lại, được Nhân dân Thanh Hóa chăm sóc, nuôi dưỡng học tập, lao động, sản xuất. Tỉnh đã đầu tư xây dựng trường học sinh miền Nam số 9 tại xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, góp phần đào tạo những “hạt giống đỏ” cho cách mạng và cho đất nước sau này.
Đáp lại nghĩa tình sâu nặng của Nhân dân Thanh Hóa và Nhân dân miền Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, đã ra sức học tập, lao động, sản xuất, công tác, góp phần vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Nhiều người sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện, đã lên đường nhập ngũ, trở lại quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng bào, xông pha trên khắp các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều học sinh miền Nam nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tiêu biểu... đã và đang mang sức lực, trí tuệ cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc; phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đoàn kết, thống nhất tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng - Đại hội có ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo TP Sầm Sơn đã thực hiện nghi thức khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Tiếp đó là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Quê Thanh - Nghĩa Bắc - Tình Nam” gồm 3 chương: Chương I, tái hiện lại ký ức không bao giờ phai, vượt khó ươm mầm cách mạng của 70 năm về trước. Chương 2: Huyền thoại thời hoa lửa, là âm hưởng hoài niệm, nhớ thương của đồng bào chiến sĩ miền Nam nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống mới trên đất Bắc với tinh thần sống và chiến đấu cho cả 2 miền Nam - Bắc sum họp một nhà. Chương 3: Nhịp sống trào dâng sắc mới, là ký ức về cảng Hới nghĩa tình, nơi đã làm sâu sắc thêm chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Với mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn đại biểu và Nhân dân tham dự Lễ kỷ niệm, Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án, kế hoạch và huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ các phòng nghiệp vụ và Công an thành phố Thanh Hóa, Công an thành phố Sầm Sơn phối hợp với các lực lượng làm công tác an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở thành lập 63 tổ, chốt công tác triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, trật tự ATGT, trật tự công cộng, phòng chống cháy, nổ trước, trong và sau khi diễn ra Lễ kỷ niệm.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng đúng 17h ngày 27/10, lực lượng Công an đã có mặt tại các tổ, chốt được phân công để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT; hướng dẫn, sắp xếp phương tiện cho các đại biểu và Nhân dân và phân luồng, phân tuyến điều tiết bảo đảm giao thông thông suốt. Riêng Công an thành phố Sầm Sơn đã huy động tối đa lực lượng, tăng cường công tác tuần tra vũ trang, tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, không để bị động, bất ngờ xẩy ra. Đồng thời, phân công, bố trí lực lượng tại tất cả các vị trí, chốt các tuyến đường trọng điểm dẫn đến Khu lưu niệm để đảm bảo ANTT, trật tự ATGT phục vụ các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân về tham dự Lễ kỷ niệm.
Do chủ động triển khai từ sớm, từ xa và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nên tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh trong đêm diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được bảo đảm an toàn, không xảy ra vụ việc phức tạp; trật tự ATGT, trật tự công cộng được giữ vững, không để xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông, tai nạn cháy, nổ, góp phần vào thành công của Lễ kỷ niệm./.