Công an Thanh Hóa thu mẫu ADN thân nhân liệt sĩ - Hành trình lặng thầm giữa đêm khuya
Đêm vùng cao Quan Sơn lặng lẽ và tĩnh mịch. Sương phủ mờ con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo len giữa rừng núi. 21h30’! trong ánh sáng mờ nhoè của những chiếc đèn pin, chỉ soi sáng được một lối đi, những chiến sĩ Công an vẫn miệt mài gõ cửa từng nhà để tiếp tục thực hiện sứ mệnh thu nhận mẫu sinh phẩm ADN của thân nhân liệt sĩ…
Không tiếng loa tuyên truyền, không ánh điện sáng rực như nơi phố thị, hành trình thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ ở Quan Sơn bắt đầu trong sự yên tĩnh đầy xúc động. Sau một ngày thu nhận mẫu không ngơi nghỉ tại điểm thu nhận tập trung ở trụ sở UBND xã Quan Sơn, tổ công tác lại tiếp tục “ca làm việc thứ hai” - đến tận nhà những thân nhân liệt sĩ là người già yếu, bệnh tật, không có khả năng di chuyển để thu nhận mẫu sinh phẩm ADN.
Ngôi nhà đầu tiên lực lượng Công an đến thu nhận mẫu ADN là của ông Hà Văn Dập, 68 tuổi ở bản Din, xã Trung Hạ. Do nhà cách điểm thu nhận mẫu tập trung hơn 20 kilomet, bản thân lại bị thoái hoá khớp gối gây khó khăn trong đi lại nên khi thấy lực lượng Công an đến tận nhà để thu nhận mẫu, ông Hà Văn Dập cảm động lắm.

Tổ công tác lưu động đến tận nhà thu nhận mẫu ADN của ông Hà Văn Dập thân nhân
liệt sĩ Hà Văn Dếnh
55 năm trước, gia đình ông đã tiễn anh trai là liệt sĩ Hà Văn Dếnh ra chiến trường, khi đó anh trai ông mới chỉ 20 tuổi, để rồi từ đó không một lần nhận được tin tức trở về. Hơn 50 năm qua, ông Hà Văn Dập sống trong nỗi nhớ anh và niềm hy vọng mong manh sẽ tìm được phần mộ liệt sĩ để thắp một nén hương cho trọn nghĩa vẹn tình với người đã khuất. Niềm mơ ước tưởng chừng như đơn giản ấy lại trở nên xa vời vợi khi đã nhiều năm trôi qua mà tin tức về phần mộ của anh trai ông vẫn không thể tìm được.
Hôm nay, khi cán bộ Công an đến thu nhận mẫu sinh phẩm để phục vụ công tác xét nghiệm ADN, hồi ức về người anh trai lại ùa về. “Mong sao qua chương trình này giúp tôi tìm lại được phần mộ của anh, để gia đình tôi được một lần thắp nén hương cho người thân của mình” - ông Dập chia sẻ
Không có bàn ghế chuyên dụng, không có ánh sáng phòng khám, tổ công tác trải tấm chiếu lên sàn nhà, cẩn thận bày từng ống nghiệm, gạc khử trùng, kẹp nhựa, hệ thống máy móc ra làm việc. Từng giọt máu được rút ra từ đường ven già nua của ông Hà Văn Dập nhanh chóng được cán bộ Công an và các nhân viên công ty Genestory cẩn trọng ghi nhãn, niêm phong, lưu trữ một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Mỗi mẫu sinh phẩm ADN được thu nhận không chỉ là một dữ liệu sinh học, mà còn là niềm hy vọng
tìm lại tên cho các liệt sĩ "Chưa biết tên"
Mỗi mẫu sinh phẩm ADN được thu nhận không chỉ là một dữ liệu sinh học, mà còn là niềm hy vọng, là một sợi dây vô hình kết nối quá khứ và hiện tại, là khát vọng được nhìn thấy tên người thân khắc trên bia mộ và thân nhân liệt sĩ được thắp nén nhang trước phần mộ người thân sau bao năm xa cách.
“Làm ban đêm vất vả thật, nhưng nếu không nhanh chóng thu nhận mẫu sinh phẩm ADN, bà con sẽ phải đợi. Mà có người đã đợi cả đời rồi, mình không thể để các gia đình liệt sĩ phải chờ thêm nữa” - Thiếu uý Trần Đức Lương, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hoá chia sẻ. Lời nói mộc mạc nhưng chứa đựng tất cả tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân chân thành của người chiến sĩ Công an trẻ đối với thế hệ đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả tuổi trẻ và tính mạng mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Với tinh thần “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, chỉ riêng trong ngày 11/7/2025, tổ công tác thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ do lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh chủ trì đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thu nhận được 227 mẫu sinh phẩm ADN, trong đó có 12 trường hợp được thu mẫu sinh phẩm lưu động.

Với tinh thần “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” , tổ công tác lưu động
đã đến từng nhà của thân nhân liệt sĩ để thu nhận mẫu ADN