A- A A+ |

Công an tỉnh Thanh Hóa sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với cơn bão số 3

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 3 (siêu bãoYagi) có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai rất lớn và có diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ…

Thực hiện Công điện của Bộ Công an và UBND tỉnh về chủ động ứng phó với diễn biến của siêu bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, Giám đốc Công an Thanh Hóa đã có Điện chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão và tình hình mưa lũ, tập trung chỉ đạo và triển khai các phương án phòng, chống siêu bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do siêu bão gây ra.

Lực lượng CSGT đường thủy  tuyên truyền, hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền

Theo đó, các đơn vị đã tập trung tối đa lực lượng, phương tiện cho công tác phòng, chống bão; chủ động chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, phương tiện, hồ sơ tài liệu của đơn vị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, an toàn nơi giam giữ, không để can phạm, phạm nhân trốn khỏi nhà tạm giam, tạm giữ; phòng ngừa tội phạm lợi dụng mưa bão để trộm cắp, phá hoại tài sản, vv...

Bắt đầu từ 14h ngày 06/9, Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường trực 100% quân số; các phòng Công an tỉnh thường trực 50% quân số, 50% quân số còn lại ứng trực để sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do bão gây ra. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các phương án phòng chống lụt bão; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện ô tô, tàu xuồng; vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng chống và ứng cứu khi có bão lụt theo phương án điều động của công an tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.

Công an huyện Hậu Lộc phối hợp với lực lượng Biên phòng giúp dân sơ tán tài sản

Các đơn vị duy trì chế độ trực lãnh đạo, chỉ huy, trực ban, trực chiến, chủ động theo dõi diễn biến, tình hình của cơn bão và chỉ đạo của Giám đốc để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra. Phối hợp với các lực lượng Quân đội, Biên phòng, chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp… tổ chức lực lượng sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đề phòng ngập úng tại một số địa bàn trọng yếu, lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi; tập trung triển khai các biện pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ các công trình, mục tiêu trọng điểm, phòng ngừa các loại tội phạm hình sự lợi dụng mưa bão để trộm cắp, phá hoại tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các phương án phân luồng, phân tuyến, bảo đảm trật tự ATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm; kịp thời phát hiện, xử lý những điểm ùn tắc, sạt lở do mưa bão gây ra.

Cho đến thời điểm này, tại các cửa sông, cửa biển, lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thị xã, thành phố ven biển đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức kêu gọi và hướng dẫn ngư dân tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, đồng thời tiến hành kiểm tra đê điều, rà soát, lập danh sách các tàu thuyền chưa kịp vào nơi tránh bão để báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh có biện pháp kêu gọi, hướng dẫn ngư dân vào nơi trú ẩn.

 100% tàu thuyền đã neo đậu vào bờ an toàn

Trung tá Hoàng Ngọc Tám, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: "Chúng tôi bảo đảm 100% quân số tham gia phòng chống bão số 3. Đến thời điểm này các tàu du lịch, tàu cá của ngư dân đã về nơi tránh trú an toàn. Cùng với đó lực lượng CSGT thủy đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Ban Quan lý bến thuyền Hoàng Long tiến hành kiểm tra việc neo đậu của các tàu bè".

Trên địa bàn các huyện miền núi, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, đập tràn và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lực lượng Công an đã xây dựng phương án tuần tra  chủ động phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Công an các huyện đã tăng cường lực lượng xuống cơ sở nắm tình hình và phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, trực tiếp đến từng hộ dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để tuyên truyền, vận động Nhân dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Thành lập các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn, điều tiết giao thông, cảnh báo những khu vực nguy hiểm không cho người dân và phương tiện tham gia giao thông qua lại./.


Tác giả: Mai Hà
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu