A- A A+ |

Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về công tác đảm bảo an ninh, trật tự

Sáng 15/7, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp (DN) về công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT). Đồng chí Thiếu tướng Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dHội nghị có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đồng chí Phó Giám đốc, đại diện lãnh đạo các phòng chức năng Công an tỉnh; Trưởng Công an các xã, phường: Hạc Thành, Nguyệt Viên, Quảng Phú, Hàm Rồng, Bỉm Sơn, Quang Trung, Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Trúc Lâm, Hải Bình, Nghi Sơn, Trường Lâm và đặc biệt là sự có mặt của đại diện 103 DN trên địa bàn tỉnh. 

Toàn cảnh Hội nghị

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 21.268 DN đang hoạt động, trong đó có 28 DN có vốn nhà nước, 166 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 21.074 DN ngoài quốc doanh. Các DN đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 415.300 lao động và có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2025, mặc dù có nhiều khó khăn, song toàn tỉnh ghi nhận có 1.725 DN đăng ký thành lập mới (tăng 12,3 % so với cùng kỳ), là một trong những tỉnh dẫn đầu các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ về số lượng DN mới. Các DN mới thành lập dự kiến tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động, thu nộp ngân sách Nhà nước khu vực DN đạt 6.862 tỷ đồng (chiếm 46% tổng thu nội địa).

Thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng Công an Thanh Hóa đã luôn chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều chủ trương, giải pháp chiến lược về công tác bảo đảm ANTT. Trong đó, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số và trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, nhất là trong xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu ý kiến

Đặc biệt, đã tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ góp phần thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2025/NQ-HĐND ngày 24 tháng 6 năm 2025 về việc sửa đổi một số điều Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh ban hành theo tinh thần miễn toàn bộ phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh cho người dân, DN khi thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Đây là quyết định có tính đột phá, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của tổ chức và Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi, cũng như khuyến khích người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...

Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm ANTT tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các dự án kinh tế trọng điểm; chủ động phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trong các DN; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; không ngừng cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần thu hút đầu tư đạt kết quả cao, bảo đảm môi trường lành mạnh, ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thường xuyên phối hợp, tham mưu, hướng dẫn các DN chấp hành chính sách pháp luật, các quy định về quản lý, sử dụng lao động; chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các DN, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công xảy ra, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN. Các DN trên địa bàn tỉnh đã luôn đồng hành cùng lực lượng Công an làm tốt công tác thiện nguyện, “chung sức vì cộng đồng”, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện sự đồng hành, trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội, nhất là đối với những người yếu thế, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao.

Lãnh đạo Công an tỉnh và đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn giải đáp những ý kiến đóng góp,
kiến nghị của các doanh nghiệp

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình hình ANTT tại các khu, cụm công nghiệp và DN còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; một số dự án trọng điểm chậm tiến độ do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; an ninh trong công nhân, an toàn trong DN vẫn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến đình công, khiếu kiện, ngừng việc tập thể. Một số DN chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phối hợp bảo đảm ANTT, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, chế độ chính sách cho người lao động, nộp thuế, bảo hiểm xã hội.

Tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến DN đã được kiềm chế và kéo giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật, nhất là trong công tác quản lý tạm trú, cư trú, quản lý người nước ngoài, vi phạm trật tự an toàn giao thông

Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Đại tá Lê Ngọc Anh, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng và cởi mở, có 16 DN tham gia phát biểu tham luận, khẳng định sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như lực lượng Công an trong  việc bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất ổn định, an toàn, thuận lợi cho các DN.

Bên cạnh đó, các DN cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong cơ chế công tác bảo đảm ANTT. Trong đó, tập trung vào các vấn đề, như: Khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; bảo đảm ANTT tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; khó khăn trong quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, lưu trú của người nước ngoài; chuyển đổi số, thực hiện định danh điện tử đối với doanh nghiệp; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm; dấu hiệu tội phạm hình sự, trộm cắp, lừa đảo, sử dụng ma túy trong DN...

Thiếu tướng Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Các ý kiến phát biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với công tác bảo đảm ANTT của cộng đồng DN và mong muốn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch.

Trên cơ sở những phản ánh, kiến nghị của các DN, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngàng, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đã trực tiếp giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các DN. Những vấn đề vượt thẩm quyền, liên quan đến cơ chế, chính sách chung, Công an tỉnh tiếp thu, tổng hợp và sẽ báo cáo đề xuất, kiến nghị với tỉnh và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Đại tá Lê Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Tại Hội nghị, để ghi nhận, biểu dương kịp thời đối với những thành tích, kết quả và đóng góp của các DN trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với nhiệm vụ bảo đảm ANTT; sự phối hợp của các sở, ban, ngành; sự quan tâm có mặt cũng như nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị của DN, doanh nhân thể hiện tinh thần trách nhiệm chung trong công tác bảo đảm ANTT.

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã thông tin một số nội dung tác động trực tiếp đến công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh nói chung, trong các khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp nói riêng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, nêu lên thuận lợi, khó khăn, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Để bảo đảm ANTT, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn phục vụ hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh của các DN, góp phần nâng cao chỉ số PCI và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, các sở, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, tham mưu cấp phép đầu tư đối với dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp theo đúng quy định tiêu chí thu hút đầu tư của tỉnh; việc cấp phép lao động cho người nước ngoài bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Thiếu tướng Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị

Tổ chức rà soát, báo cáo tham mưu UBND tỉnh giải quyết vấn đề nhà ở lưu trú dành cho lao động nước ngoài theo đúng quy định; quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất và hoạt động cho thuê nhà xưởng của DN. Kiểm tra, nghiên cứu giải pháp bố trí hệ thống biển báo, đèn báo hiệu giao thông, gờ giảm tốc,... không để xảy ra xung đột, ùn tắc, tai nạn giao thông tại các trục đường trong khu kinh tế, cụm công nghiệp và khu vực kết nối giữa các đường trong khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp với đường quốc lộ, đường dân sinh.

Đối với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị cần chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT, bảo đảm tốt ANTT tại khu vực DN. Trong đó, Phòng An ninh kinh tế phối hợp với Phòng Tham mưu tiếp tục tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp; tham mưu giải đáp các nội dung phản ánh của các DN và triển khai các giải pháp thực hiện thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an. Đối với nội dung không thuộc thẩm quyền báo cáo Giám đốc Công an tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo.

Làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện và giải quyết nhanh chóng, đúng quy định các thủ tục hành chính liên quan đến DN như: cấp phép phòng cháy, chữa cháy, cấp thị thực, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT và đăng ký, quản lý con dấu; các thủ tục liên quan cho người lao động, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp...

Tăng cường công tác tham mưu, hướng dẫn các doanh nghiệp đảm bảo an ninh, an toàn DN. Phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng trong giải quyết tình hình, vụ việc ANTT xảy ra trong khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục phối hợp với cơ quan, ban, ngành chức năng và các DN đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong DN, duy trì các mô hình đang phát huy hiệu quả, nhất là các mô hình “Camera với ANTT”, “Tổ an ninh công nhân”, “Công nhân môi trường, chiến sĩ tuần tra”...; nghiên cứu xây dựng các mô hình mới phù hợp yêu cầu thực tế về công tác bảo đảm ANTT.

Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm ANTT với các DN trên địa bàn. Thiết lập và duy trì hiệu quả các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp để nắm và tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan, bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để các DN kinh doanh, cạnh tranh đúng pháp luật.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Đối với các DN cần phối hợp tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả 04 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57, 59, 66, 68) được xem là “bộ tứ trụ cột” về thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới, gắn với thực hiện Kế hoạch số 02 ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây chính là những thời cơ mới cho các DN trên cả nước nói chung, địa bàn Thanh Hóa nói riêng. Các DN trên địa bàn tỉnh cần phát huy “tâm và tầm” vượt qua những thách thức, đạt được những thành tựu, góp sức chung vào sự phát triển của tỉnh nhà và sự vươn mình của đất nước.

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Để tạo thuận lợi cho các DN, lực lượng Công an đã triển khai “Cổng ký số từ xa tập trung trên nền tảng định danh và xác thực điện tử VNeID", là công cụ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử". Đây là giải pháp cho phép chữ ký số được kết nối, chia sẽ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Các DN có thể nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp có sẵn, phù hợp với nhu cầu.

Các DN cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ pháp luật, thể hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh với phương châm “lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật” theo tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, quản lý cư trú của người nước ngoài, các quy định về sử dụng lao động, đảm bảo thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người lao động.

Các DN phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao cảnh giác cho người lao động trước âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho công nhân viên công ty. Làm tốt công tác tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, như: lắp đặt hệ thống camera giám sát để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cho lực lượng bảo vệ, các tổ tự quản về ANTT tại doanh nghiệp; quan tâm đến chế độ chính sách, đời sống vật chất, tinh thần của lực lượng bảo vệ cũng như công nhân, người lao động để họ an tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp...

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân loại, xử lý rác thải (nhất là rác thải công nghiệp, phế liệu nhập khẩu); tuyển dụng lao động, cung ứng thực phẩm, xuất ăn trong doanh nghiệp; quản lý tốt cán bộ và công nhân, sử dụng lao động đúng quy định pháp luật, nhất là lao động nước ngoài, lao động thời vụ.

Hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đăng ký doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”, đăng ký doanh nghiệp không có tệ nạn ma túy; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của DN.

Thường xuyên quan tâm phối hợp với lực lượng Công an trong quá trình triển khai các biện pháp công tác bảo đảm ANTT và điều tra giải quyết các vụ việc xảy ra tại DN, kịp thời trao đổi thông tin với cơ quan chức năng khi xảy ra tình hình, vụ việc phức tạp liên quan ANTT./.


Tác giả: Đình Hợp
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu