Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII: Tiếp tục thảo luận, cho ý kiến vào các chương trình phát triển trọng tâm và kế hoạch hành động khâu đột phá

Ngày 26-6, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã thảo luận, cho ý kiến vào các chương trình phát triển trọng tâm và kế hoạch hành động khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự hội nghị.

 

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc hội nghị.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ đây là hội nghị rất quan trọng để tiếp tục thảo luận, quyết định và thông qua các chương trình trọng tâm và khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã quyết nghị.

Với tinh thần vì sự phát triển chung của tỉnh, để đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống, các đại biểu cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm tham gia thảo luận tích cực, tâm huyết, trọng tâm, góp phần vào thành công của hội nghị.

Với tinh thần, trách nhiệm cao, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, cơ bản nhất trí với nội dung văn bản trình tại hội nghị.

Về chương trình phát triển Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN), giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đánh giá chương trình được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và cơ bản thống nhất với các nội hàm mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị với tính khả thi cao. Bên cạnh đó, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ý kiến cụ thể vào từng vấn đề, trong đó đề nghị trong chương trình cần phải quan tâm đến việc lập đồ án quy hoạch đô thị trong và ngoài KKT Nghi Sơn, trong quy hoạch chi tiết cần có điều chỉnh các phân khu cho phù hợp; cần có cơ chế quản lý khai thác có hiệu quả cảng biển và đầu tư cấp nước sạch, nước thô và xử lý nước không để gây ô nhiễm môi trường.

Đối với phần đánh giá kết quả của chương trình cần thêm phần đánh giá chất lượng đầu tư của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để từ đó rút ra mặt được và chưa được để có định hướng kêu gọi các loại hình đầu tư đảm bảo hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn tới đây.

Đồng thời, đánh giá về thu nhập của công nhân trong các khu công nghiệp, qua đó thể hiện mức độ hoạt động doanh nghiệp, chất lượng doanh nghiệp.

Về phần mục tiêu, các ý kiến đều cơ bản đồng tình và đề nghị quan tâm đẩy nhanh tiến độ đối với khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; đề nghị tỉnh lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp...

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao các ý kiến thảo luận và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện chương trình. Đồng thời nêu rõ: Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã khẳng định về đường hướng phát triển kinh tế của Thanh Hóa là phải phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị và nông thôn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững, sự phát triển hợp lý theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh nêu rõ: Để hiện thực hóa định hướng mà các Nghị quyết đã quyết nghị là sứ mệnh của KKT và các KCN đóng vai trò quyết định. Với KKT Nghi Sơn đã xác định là phải xây dựng phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp đô thị, du lịch ven biển trọng điểm của cả nước, khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Từ mục tiêu đó cần thấy rõ vị trí, tầm quan trọng, sứ mệnh của KKT Nghi Sơn và KCN vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh.

Cho ý kiến vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi giai đoạn 2021-2025 các đại biểu đều đồng tình với những kết quả và mục tiêu chương trình đưa ra. Bên cạnh đó cũng phân tích đề cập đến những vấn đề liên quan đến việc phát triển của địa phương khu vực miền núi, công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí tái định cư ổn định đời sống của người dân đang sống ở vùng xung yếu, vùng sạt lở. Đồng thời, Chương trình cũng cần quan tâm phát huy truyền thống văn hóa, văn hóa vật thể và phi vật thể...

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao những ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu và thay mặt Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để đưa vào chương trình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Khu vực miền núi của tỉnh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, khu vực miền núi Thanh Hóa vẫn là vùng khó khăn nhất, trong nhiều nhiệm kỳ gần đây Đại hội Đảng bộ tỉnh đều xác định phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi là một trong những chương trình trọng tâm. Trong nhiệm kỳ này các đồng chí lãnh đạo vẫn thường xuyên quan tâm đến khu vực miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Qua các ý kiến thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp phân tích các nội hàm liên quan trong chương trình được đại biểu đề cập và chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng chương trình một cách hợp lý sát với tình hình để khi ban hành có tính khả thi cao.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến vào Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025.

Các ý kiến cơ bản đồng tình với các kế hoạch hành động được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị và cũng đề cập đến một số vấn đề nhằm nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Một số ý kiến cũng đã phân tích về nội hàm việc chuyển giao, ứng dụng, dịch vụ, nhất là phải có định hướng đầu ra tiêu thụ sản phẩm tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã nêu lên những dẫn chứng sinh động về công tác cải cách hành chính của Quốc hội, của Chính phủ và tinh thần chủ động, sáng tạo của tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí nhấn mạnh: Các kế hoạch hành động, khâu đột phá được trình với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có nhiều điểm mới và là lần đầu tiên đã đưa địa chỉ của các cơ quan, đơn vị cần phải đi đầu trong cải cách hành chính đó là: Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính, Sở Y tế... vì đây là những đơn vị có quan hệ nhiều đến người dân và doanh nghiệp; cũng là những đơn vị quyết định đến việc tỉnh Thanh Hóa có trở thành 1 trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước về chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng, chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả hành chính công hay không.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp giải đáp những vấn đề về quy hoạch, xúc tiến đầu tư, tăng cường giải quyết quyền lợi nhà đầu tư, doanh nghiệp, làm rõ quyền và nghĩa vụ của người dân đối với cải cách hành chính, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp... được các đại biểu nêu trong hội nghị.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh Kế hoạch và khẳng định thực hiện việc cải cách hành chính là khâu rất quan trọng tác động đến sự phát triển của tỉnh. Chính vì vậy cần phải đặt lợi ích chung vì sự phát triển của tỉnh, của quê hương, đất nước lên trên để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Cần đánh giá cán bộ một cách công tâm, khách quan, trên cơ sở chất lượng, hiệu quả công việc và uy tín đối với cán bộ, công chức và người dân.

Về kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Đây là kế hoạch có 3 nội dung gồm: nghiên cứu - ứng dụng - chuyển giao, nhưng lại được gắn kết và tương trợ cho nhau. Đồng thời ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại hội nghị và chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu rõ thêm một số lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ - thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch, tài nguyên môi trường.... cũng cần xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số sát với tình hình phát triển của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ với tinh thần làm việc khẩn trương và trách nhiệm cao, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất thông qua 2 chương trình trọng tâm và 2 khâu đột phá; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thiện và ban hành để sớm triển khai thực hiện./.

Tác giả: Theo baothanhhoa.vn
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thoi-su/hoi-nghi-ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-lan-thu-viii-tiep-tuc-thao-luan-cho-y-kien-vao-cac-chuong-trinh-phat-trien-trong-tam-va-ke-hoach-hanh-dong-khau-dot-pha/138939.htm
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu