Giữ vững biên cương: Bài 2. Bám bản “nhiều không”

Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm là 3 bản nằm sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất của xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Cả 3 bản này nằm dọc sông Mã, được bao bọc bởi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Ba bản này có thể nói là những bản nhiều không nhất (không điện, không nước, không đường giao thông, không sóng điện thoại). Để giữ vững biên cương của Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập một Đội liên ngành gồm các lực lượng Biên phòng, Công an, Quân sự cắm chốt tại khu vực này.  

Quyết tâm vào bản

Dù đã nghe về cụm bản (gồm 3 bản Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm) từ rất lâu, nhưng vì đường sá đi lại hết sức khó khăn nên tôi chưa có dịp vào thăm. Mãi đến đầu tháng 4, khi các lực lượng chức năng triển khai xây dựng 58 căn nhà ở cho các hộ nghèo tại các bản Cá Giáng (17 căn), Cánh Cộng (17 căn) và Tà Cóm (24 căn) theo chủ trương của Bộ Công an; và sau vụ việc nhóm đối tượng mua bán ma túy dùng súng săn bắn tổ công tác của Công an huyện Mường Lát, tôi càng quyết tâm phải vào bằng được các bản này.

 

Vượt sông vào bản

 

Trước khi vào bản, Thượng tá Trương Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Mường Lát gọi thêm 2 cán bộ Công an huyện Mường Lát đi cùng và không quên dặn dò rất kỹ: Tình hình trong đó hiện đang rất phức tạp, đường sá lại khó khăn, các đồng chí phải hết sức cẩn thận!

Khoảng 7 giờ sáng, Trung tá Lương Xuân Minh, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tổng hợp, Công an huyện Mường Lát dùng xe bán tải đưa tôi đi. Thú thật, nghe kể thì không thể mường tượng hết những khó khăn để đến được các bản này. Để vào được 3 bản này có 2 lựa chọn: Một là đi từ trung tâm huyện khoảng 45 km đến trung tâm xã Trung Lý, rồi tiếp tục đi xe máy dọc đường mòn trong rừng khoảng 35km nữa thì sẽ đến được bản gần nhất là Cá Giáng. Tuy nhiên đi đường này rất khó khăn vì nhỏ hẹp, dốc dựng đứng và có thể bị đất đá sạt lở, vùi lấp bất cứ lúc nào. Hai là đi từ trung tâm huyện khoảng 50km qua địa bàn xã Mường Lý, rồi tiếp tục dùng đò vượt qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn vài km nữa để vào bản Tà Cóm, Cánh Cộng. Để bớt thời gian và tránh rủi ro, chúng tôi chọn phương án 2.

Sau gần 2 giờ đồng hồ lắc lư, chúng tôi cũng đến khu rừng gần bến đò. Sau khi giấu chiếc xe vào khu vực rừng luồng, chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng 1km nữa đến bến đò vượt sông sang Tà Cóm. Qua lời cảnh báo của chủ bến đò Huy Tùng thì những ngày này còn có thể vào được, chứ mưa xuống, sông sâu, sóng lớn thì chỉ “chịu chết”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các bản trên gần như cô lập với bên ngoài.

 

Lực lượng chức năng gặp gỡ, trao đổi tình hình với trưởng bản Tà Cóm Thào A Thái

 

Đã hẹn từ tối hôm trước, khi qua đò, 3 cán bộ, chiến sĩ Tổ liên ngành phụ trách 3 bản này đã đợi sẵn trên bờ và dùng xe mô tô “tăng bo” đưa chúng tôi vào nhà ông Thào A Thái, Bí thư chi bộ, trưởng bản Tà Cóm cách đó chừng 5km. Ông Thái vừa là trưởng bản, vừa là người đầu tiên và cũng là 1 trong 2 hộ của bản thoát nghèo. Theo lời kể của ông thì cả bản hiện có 106 hộ, trên 600 nhân khẩu (100% dân tộc Mông), trên 97% số hộ thuộc diện hộ nghèo.

Bám ở bản “nhiều không”

Nằm nép mình bên bờ sông Mã tại bản Cánh Cộng, căn nhà mái bằng vừa được tỉnh Thanh Hóa đầu tư là nơi làm việc, sinh hoạt của Tổ công tác liên ngành số 5 và số 6, thuộc Đội liên ngành số 1 xã Trung Lý (gọi tắt là Tổ liên ngành Cánh Cộng) là nơi làm việc, sinh hoạt của 6 đồng chí cán bộ, chiến sĩ. Tại đây, tôi có dịp trò chuyện với Đại úy Trần Văn Hùng, cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý, Tổ trưởng tổ liên ngành Cánh Cộng. Lúc này giữa trưa, trời rất nóng, vừa cởi phăng chiếc áo lót đang mặc, Đại úy Hùng vừa nói: Cởi bớt áo ra cho mát đồng chí ạ! Ở đây anh em chúng tôi đều thế cả. Điện không có, chỉ có cởi trần như thế này mới dễ thở.

Rồi đồng chí kể tiếp: Không chỉ điện lưới không có, mà từ trước đến nay ở 3 bản này nước sạch, sóng điện thoại cũng không, đường giao thông thì là đường rừng, đường núi, đi bộ cũng dở, mà đi xe máy cũng tội.

Sóng điện thoại chưa vào đến bản nên mỗi khi liên lạc, lực lượng liên ngành đi dò sóng lạc

 

Mặc dù khó khăn như thế, nhưng cán bộ chiến sĩ trong Tổ công tác luôn xác định tinh thần thực hiện 3 bám (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách) và 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với nhân dân. Hàng ngày cán bộ, chiến sĩ trong tổ phân công xuống các bản cùng ở, cùng làm, cùng sinh hoạt với bà con trong bản, từ đó hướng dẫn nhân dân cách làm ăn phát triển kinh tế, bên cạnh đó nắm bắt tình hình, hoạt động nghi vấn xâm nhập, móc nối, xây dựng cơ sở của đối tượng ngoại biên vào khu vực biên giới; các hoạt động tuyên truyền phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; hoạt động lôi kéo di cư tự do, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, các đối tượng hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân… để đề xuất chính quyền cơ sở hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Khó khăn, nghèo đói thì một sớm, một chiều chưa thể thay đổi. Nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự tận tâm, tận lực của các lực lượng chức năng (trực tiếp là cán bộ liên ngành) mà người dân nơi đây đã dần đổi khác. Nếu như trước đây, khi người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào sống rải rác trong rừng, nay đây mai đó, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng núi, nên 100% các hộ thuộc diện đói nghèo quanh năm; hệ thống chính trị cơ sở chưa được thiết lập, người dân trong bản hoàn toàn cách biệt với đời sống bên ngoài… Đến năm 1998, thực hiện Đề án “Ổn định dân di cư tự do” của tỉnh Thanh Hóa, người dân mới dần dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm và dần ổn định cuộc sống. Đến nay, người dân đã có làng, có bản, có cuộc sống ổn định, hệ thống chính trị cơ sở được xây dựng vững chắc, người dân biết cách làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều hộ gia đình đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn, trồng lúa, trồng ngô, trồng cây lâm nghiệp, nghề dệt truyền thống được gìn giữ, phát huy… Cuộc sống nhờ đó cũng thay đổi nhiều, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà ở kiên cố, mua được xe máy, đa số con em trong độ tuổi đều được đến trường, được chăm sóc y tế, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo…

 

Tổ công tác liên ngành Cánh Cộng chuẩn bị cơm

 

Vừa từ cơ sở trở về, Trung úy Triệu Duyên Hùng (cán bộ Công an huyện Mường Lát) tức tốc đề xuất đồng chí Trần Văn Hùng về tình hình một số đối tượng từ Cánh Cộng vào Tà Cóm tuyên truyền đạo trái pháp luật để báo cáo về cho lãnh đạo cấp trên. Khi thấy Trung úy Hùng loay hoay cầm điện thoại lên những mỏm đất cao dơ lên không trung, khiến tôi rất tò mò thì được Hùng cho biết: Ở đây hễ có việc quan trọng cần báo cáo thì đều phải đi dò sóng điện thoại như thế, may thì đón được chút sóng lạc. Nói chung điện thoại di động ở khu vực này không phát huy hết tác dụng.

Chính vì những khó khăn như thế, các đối tượng xấu tìm mọi cách để hoạt động tôn giáo trái pháp luật; mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy; tàng trữ, sử dụng súng săn, súng tự chế… gây phức tạp tình hình, mà vụ việc Sùng A Chía (sinh năm 1981), trú tại bản Tà Cóm và đồng bọn gây ra vào tối ngày 6/2/2021 là một ví dụ điển hình. Chía là đối tượng có tiền án liên quan đến ma túy, vừa ra tù năm 2018. Sau khi ra tù, đối tượng này tiếp tục lôi kéo một số đối tượng nghiện tham gia đường dây mua bán, vận chuyển ma túy. Trực tiếp Sùng A Chía vượt biên sang Lào mua ma túy để về bán lại cho các đối tượng nghiện khác. Ngày 6/2/2021, sau khi nắm được thông tin đối tượng này chuẩn bị lượng hàng lớn để về bán dịp Tết Nguyên đán, Công an huyện Mường Lát đã thành lập tổ công tác để triệt phá. Địa bàn hiểm trở, là đối tượng thông thuộc địa hình rừng núi và với bản chất liều lĩnh, manh động của mình, khi bị lực lượng Công an vây bắt, Chía và đồng bọn đã rút súng tự chế thủ sẵn trong người bắn vào tổ công tác để thoát thân, khiến Thiếu tá Vi Văn Luân hi sinh. Chía và đồng bọn ngay sau đó đã bị Công an Thanh Hóa bắt giữ và sẽ phải đền tội trước pháp luật về hành vi của mình. Nhưng sự hi sinh của Thiếu tá Vi Văn Luân thì không có gì có thể bù đắp được.

Các cháu học sinh bản Tà Cóm trong độ tuổi đều được đến trường

 

Ngoài tình hình phức tạp về ma túy, thời gian qua, Tổ công tác liên ngành Cánh Cộng đã phát hiện, ngăn chặn nhiều đối tượng lén lút tổ chức sinh hoạt, truyền bá đạo Tin Lành trưởng Lão, Liên Hữu Cơ đốc trái pháp luật như Sùng Seo Pao, Lầu A Vàng (ở bản Cá Giáng), Giàng A Páo (ở Cánh Cộng)…; vận động nhân dân giao nộp, thu giữ hàng chục khẩu súng săn, súng tự chế các loại; tổ chức cho nhiều đối tượng nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng; xử lý hàng chục vụ việc làm mất an ninh, trật tự trên địa bàn …

Đại úy Trần Văn Hùng cho biết thêm: Mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng, đã hết lòng vì bà con dân bản. Đại đa số bà con đều rất tốt, rất thương anh em, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng ở đâu đó, vẫn còn những đối tượng như Chía, chúng vẫn tìm mọi thủ đoạn để hoạt động phạm tội; chúng có thể giấu vũ khí nóng trên nương, trên rẫy, trong rừng sâu và sẵn sàng bóp cò khi bị phát hiện, bắt giữ. Nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên nhau, không vì thế mà lùi bước. Mà phải noi gương sự hi sinh anh dũng của đồng đội mình, tiếp tục bám sát cơ sở, làm tốt nhiệm vụ được giao, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, giữ vững biên cương của Tổ quốc.

Lực lượng Liên ngành gồm 3 lực lượng: Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân sự được thành lập từ năm 2011 theo Quyết định 3301/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa để tăng cường cho các bản trọng điểm phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Theo đó có 4 Đội công tác liên ngành được thành lập (3 đội đóng tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung, huyện Mường Lát; 1 đội đóng tại xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa). Từ trước đến nay, các đội liên ngành vẫn thường xuyên duy trì 16 tổ công tác, với 58 cán bộ, chiến sĩ bám trụ tại các bản người Mông (chủ yếu là các bản vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới) để thực hiện “4 cùng” với nhân dân nhằm giúp Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống; củng cố cơ sở chính trị; giải quyết tốt các vấn đề về dân tộc, tôn giáo; triển khai các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng biên giới hai tỉnh Thanh Hoá - Hủa Phăn hòa bình, hữu nghị…

 

Tác giả: Đình Hợp
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu