Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh hóa có hơn 1 triệu người dân trong diện được cấp thẻ Căn cước, trong đó có 374.958 trường hợp từ 0-6 tuổi; 583.162 trường hợp từ 6 -14 tuổi; 99.452 trường hợp từ đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp căn cước công dân đến hạn phải đổi theo quy định của Luật Căn cước và 24 trường hợp công dân trong diện cấp Giấy chứng nhận Căn cước.
Để việc triển khai Luật Căn cước được diễn ra thuận lợi, bên cạnh việc kiện toàn và bố trí, bổ sung đủ nguồn nhân lực cho Công an các địa phương để phục vụ công tác cấp thẻ Căn cước cho công dân, nhất là những địa phương có số dân số đông trong diện cần cấp mới, cấp đổi theo quy định, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những điểm mới và tiện ích của thẻ căn cước, đồng thời tăng cường nhiều tổ công tác làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật, luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp Căn cước.
Ghi nhận trong những ngày đầu thực hiện Luật Căn cước, tại Trung tâm hành chính công Công an tỉnh và các điểm tiếp công dân của Công an các huyện, thị xã, thành phố, mặc dù số lượng công dân đến làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước rất đông, song do chủ động triển khai tốt công tác chuẩn bị nên 100% người dân đến làm căn cước được hướng dẫn chu đáo. Các thủ tục thu nhận, dữ liệu các nhân từ đăng ký, lấy dấu vân tay, mống mắt, chụp ảnh…đều diễn ra khá nhanh chóng, chính xác và đồng bộ.
Chị Bùi Thị Liên ở xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành cho biết: Hôm nay, tôi đưa con đến Công an huyện làm thủ tục cấp thẻ Căn cước cho cháu. Tôi thấy việc làm Căn cước cho các cháu rất là tiện ích. Khi có thẻ căn cước sẽ rất thuận lợi khi làm các thủ tục hành chính, nhất là khi đi máy bay, khám chữa bệnh…cho các cháu, bố mẹ cũng không cần phải mang giấy khai sinh mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước. Với trẻ nhỏ đến làm, các cô chú Công an cũng rất quan tâm tạo điều kiện cho cháu làm rất nhanh, không phải chờ đợi lâu.
Một điểm mới của Luật Căn cước năm 2023 mà người dân rất thích thú đó là: ngoài thông tin sinh trắc học bắt buộc về khuôn mặt và vân tay, cơ quan Công an sẽ thu nhận thêm thông tin về mống mắt đối với người dân khi đi làm thẻ căn cước. Quy trình thực hiện rất đơn giản và nhanh gọn nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo mật dữ liệu, mã hóa và lưu trữ, khai thác sử dụng, cũng như bảo đảm các yếu tố về an toàn sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói cũng sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp. Người dân cũng có thể đề nghị tích hợp những thông tin thẻ bảo hiểm y tế, giấy pháp lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn và các loại giấy tờ khác khi làm thẻ căn cước. Thủ tục cấp, đổi thẻ Căn cước cũng khá đơn giản, người dân chỉ cần sử dụng tài khoản VNeID đăng ký hồ sơ qua dịch vụ công, không cần mang theo bất kỳ một giấy tờ nào và có thể lựa chọn thời gian phù hợp để đến các điểm tiếp công dân của Công an các đơn vị địa phương để thu nhận sinh trắc học.
Trung tá Bùi Xuân Chung, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Nông Cống cho biết: Để triển khai Luật Căn cước, Công an huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung của Luật Căn cước, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền về 10 điểm mới của Luật để người dân hiểu và đồng thuận tham gia, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, lực lượng công an đã rà soát, chuẩn bị chu đáo về phương tiện và nhân lực phục vụ Nhân dân thuận lợi nhất khi đến làm thẻ căn cước. Vì vậy, trong những ngày đầu triển khai làm thẻ Căn cước theo Luật mới, mặc dù có rất đông người dân đến thu nhận hồ sơ nhưng đều đảm bảo thuận lợi, nhanh gọn, chính xác.
Với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, sau gần 10 ngày triển khai cấp thẻ Căn cước, toàn tỉnh đã thu nhận 14.124 hồ sơ, trong đó có 11.206 trường hợp từ đủ 14 tuổi trở lên; 2.218 trường hợp từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi; 697 trường hợp dưới 6 tuổi. Kết quả này không chỉ đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân mà còn góp phần cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý dân cư và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp công dân./.