“Dữ liệu lớn” từ Bộ Công an phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 22.6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị tổng kết các dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân và lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1.7.
Tới dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Bộ Công an đã đưa 2 dự án về đích trước thời hạn. Theo Thủ tướng, việc 2 dự án đi vào hoạt động khẳng định những nỗ lực chuyển đổi số quốc gia, thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là những “cơ sở dữ liệu lớn” và là nguồn tài nguyên nhân tạo vô giá không chỉ thực hiện công tác quản lý con người, an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm mà còn phải phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH và nhiệm vụ cấp bách khác, như hiện nay là kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. “Dữ liệu là tài nguyên, nhưng khác với tài nguyên truyền thống, tài nguyên dữ liệu càng được khai thác, sử dụng thì không bị mất đi mà càng tạo ra giá trị”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc xây dựng hệ thống thành công mới chỉ là bước đầu, đưa cơ sở dữ liệu này đi vào cuộc sống, để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng mới là điều mong mỏi của Đảng, Nhà nước; sự trông đợi và kỳ vọng của xã hội.
Hoàn thành trước 1 tháng
Tại hội nghị, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết các dự án của Bộ Công an nằm trong đề án 896 đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư của Chính phủ từ năm 2013 nhưng nhiều năm không thực hiện được do khó khăn về vốn. Sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án vào tháng 3 và tháng 9.2020, chỉ trong hơn 1 năm, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án.
Dự án CSDLQGDC khi chính thức được đưa vào khai thác sẽ có tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động của đất nước, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, làm giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân; giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách (ước tính trung bình mỗi năm giảm được khoảng gần 5.000 tỉ đồng). 2 dự án trên cũng tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, bỏ sổ hộ khẩu giấy, xác lập danh tính điện tử của công dân thông qua mã số định danh cá nhân, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, người dân có thể thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính ở bất cứ nơi nào, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đối với công dân khi giao dịch với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội hoặc các giao dịch hành chính thì chỉ cần duy nhất thẻ CCCD gắn chip, vừa phòng tránh tình trạng giả mạo giấy tờ vừa giảm chi phí cho việc công chứng các giấy tờ truyền thống. Đồng thời, giúp công dân chủ động trong việc kiểm soát dữ liệu thông qua các ứng dụng định danh bảo mật được tích hợp trên thẻ, không bị lộ, lọt thông tin cá nhân.
Cụ thể, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) được xây dựng theo mô hình tập trung gồm Trung tâm dữ liệu (DC) tại Hà Nội và Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) tại TP.HCM với hệ thống được thiết kế sẵn sàng tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng khả năng tích hợp và liên thông quốc tế khi có yêu cầu. Tại Trung tâm DC xây dựng hệ thống bản đồ số, cung cấp chính xác các thông tin phân tích, tổng hợp, dự báo về tình hình dân cư để phục vụ xây dựng các chính sách phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bộ Công an đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18.6. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Đối với dự án căn cước công dân (CCCD), trong thời gian chưa đầy 6 tháng, Bộ Công an đã triển khai và hoàn thành chiến dịch thu nhận trên 54 triệu/50 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD (đề ra trước đó), vượt mục tiêu đề ra trước 1 tháng và đã trả trên 19 triệu thẻ cho công dân.
Bộ Công an cũng đã tiến hành chạy thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với các bộ: TT-TT, Tài chính, Tư pháp và 33 địa phương để xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết 236 thủ tục hành chính. Hai hệ thống này sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1.7 tới đây và sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân.