"Đường lưỡi bò" có trong bản đồ trên xe ôtô: Lỗ hổng về pháp lý

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa về hàng hóa có "đường lưỡi bò", Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói có lỗ hổng pháp lý mà các bộ cần rà soát, để tránh lặp lại.

Chiều ngày 6.11, Bộ trưởng Bộ Công thương là người thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 76 đại biểu tham gia chất vấn Bộ trưởng này.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Vừa qua, báo chí thông tin về việc cài cắm đường lưỡi bò của Trung Quốc vào hàng hóa ở Việt Nam như quả địa cầu, ôtô gắn định vị, phim ảnh… Hải quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ, số đã bán đến người tiêu dùng hết sức nguy hại. Xin hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này? Có biện pháp gì để không tái diễn hình ảnh tương tự làm ảnh hưởng đến người dân?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là một hiện tượng mới xuất hiện. Mặc dù đã có một số các sản phẩm tương tự về văn hóa nghe nhìn đã xuất hiện tại Việt Nam và chúng ta đã có những biện pháp xử lý. Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, đối với ôtô nhập khẩu và ôtô phục vụ cho việc triển lãm, đây là một sự kiện mới.

“Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã tổ chức rà soát, kiểm tra lại qua cơ quan chức năng và trước mắt thống nhất với Tổng cục Hải quan là đối với ôtô phục vụ cho triển lãm, chúng ta tổ chức tịch thu xung công. Sau đó có biện pháp phối hợp cơ quan chức năng rà soát pháp lý để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh những trường hợp lợi dụng trong tương lai về thị trường” - Bộ trưởng nói.

Thứ hai, theo vị lãnh đạo này, đối với một doanh nghiệp khác là thực hiện hoạt động ôtô nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam, phía Bộ đã rất nghiêm túc yêu cầu các doanh nghiệp này phải triệu tập và thu hồi toàn bộ ôtô đã nhập khẩu vào Việt Nam.

Phần mềm của những ôtô này cũng có dẫn đường là “đường lưỡi bò” và Bộ tạm thời cho dừng giấy phép về kinh doanh nhập khẩu ôtô và kinh doanh tại Việt Nam cho đến khi các doanh nghiệp này phải thực hiện xong phần trách nhiệm pháp lý của mình.

"Qua đây chúng tôi thấy có một lỗ hổng trong pháp lý, mà các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin & Truyền thông... sẽ tiếp tục cần rà soát lại, để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai. Chúng ta sẽ hoàn thiện pháp luật và thể chế" - ông nói.

 

Nguồn: https://laodong.vn
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu