Đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho sự phát triển bền vững

Chiều 26-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Cùng dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán một số nước tại Việt Nam...

Tại hội nghị, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Nghị quyết 88).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 88 là một trong những nội dung được dư luận cả nước, các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ tám.


Quang cảnh hội nghị.

 

Mặc dù Quốc hội đang trong kỳ họp nhưng với tinh thần khẩn trương, đúng pháp luật, với sự chuẩn bị chu đáo, sự phối hợp của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tổng thư ký Quốc hội đã tổ chức công bố nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đây là một nét mới trong hoạt động của Quốc hội, chưa có nghị quyết nào được ban hành và được triển khai nhanh như vậy.

Hội nghị cũng là diễn đàn quan trọng nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Chủ tịch Quốc hội, sự hiện diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đại biểu tại hội nghị đã chứng minh tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, nhất trí với quyết tâm chính trị cao thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta cùng khẳng định việc ban hành nghị quyết về nội dung quan trọng này là một quyết định đúng chủ trương, đường lối của Đảng và đúng Hiến pháp; tiếp tục thực hiện lời dặn của Bác Hồ đối với dân tộc thiểu số, nhất là vùng rẻo cao, miền núi, biên giới, khu căn cứ cách mạng để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, từng bước để đi lên vững chắc, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, đồng bào ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Việc Quốc hội có chủ trương cùng với Chính phủ hệ thống, tích hợp lại các chính sách đã ban hành là nhằm tập trung trong đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp. Từ đổi mới cách ra nghị quyết, Quốc hội đã chỉ rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, rõ quan điểm xuyên suốt, bao trùm của đề án là đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho sự phát triển bền vững và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo cơ chế, chính sách để tập trung nguồn lực, đồng thời cũng là để động viên, hướng dẫn đồng bào mình vươn lên, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và cuộc sống, không cam chịu đói nghèo.

Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ các chỉ tiêu, những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, mục tiêu quốc gia được ban hành tránh chồng chéo, trùng lắp, thất thoát, lãng phí và minh bạch cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đây cũng là một nội dung thiết thực thực hiện bộ công cụ tự đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện thế giới đã xác định, chọn Việt Nam làm điểm.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh sự quan tâm với trách nhiệm rất cao của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị để Quốc hội thông qua nghị quyết quan trọng, lịch sử này.

“Chúng ta tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện có trách nhiệm việc đầu tư phát triển bền vững ở cả 3 trụ cột: Phát triển kinh tế-xã hội bình đẳng, công bằng và môi trường được bảo vệ; trong đó coi trọng vai trò quyết định, giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, đồng hành với Chính phủ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm nguyên tắc công bằng-đoàn kết-tương trợ giúp nhau cùng phát triển trong đồng bào các dân tộc thiểu số”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. “Sự hiện diện của các vị khách quý, các bạn hôm nay là quyết tâm đồng hành với chúng tôi, ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, song phương, nhất là năm tới (2020) chúng tôi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, vai trò là Chủ tịch AIPA 41 và vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Sau kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện chương trình hành động thực hiện nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, qua đó tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về dân tộc, công tác dân tộc trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nguồn: https://baomoi.com/dau-tu-cho-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui-la-dau-tu-cho-su-phat-trien-ben-vung/c/33102320.epi
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu