Nước cờ hiểm của CIA: Đi một bước tiến khiến Liên Xô thất bại cay đắng

Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã làm rất nhiều cách để thắng Liên Xô trong cuộc so găng kéo dài hơn 4 thập kỷ.

Hermann Koelle được biết đến là cố vấn số 1 của nhà khoa học Đức Wernher von Braun - người được mệnh danh là 'Cha đẻ chương trình vũ trụ Mỹ'.

Tại sao những nhà khoa học Đức lại trở thành những nhân vật chủ chốt, có công định hình ngành kỹ nghệ vũ trụ Mỹ trong những thập niên Mỹ-Xô đua nhau lên không gian của thế kỷ trước?

Air & Space/Smithsonian Magazine (Tạp chí tuần san của Viện bảo tàng Hàng không & Vũ trụ Quốc gia Mỹ) sẽ tường giải câu chuyện này.

Nước cờ quyết  định của CIA

Nhà khoa học Đức Wernher von Braun được công nhận là nhân vật hàng đầu trong lịch sử phát triển tên lửa của Đức thời chiến nói riêng và thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 nói chung.

Tài năng của Wernher Von Braun khiến chính phủ Mỹ chú ý. Chiến tranh kết thúc, CIA nhanh chóng triển khai Chiến dịch Paperclip, bí mật chiêu mộ hàng nghìn tài năng khoa học Đức Quốc xã làm việc cho Mỹ (trước khi bị Liên Xô "nẫng tay trên").

Kết quả, CIA thu nạp được hơn 1.600 nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên người Đức, trong đó có Tiến sĩ Wernher Von Braun.

Nước cờ của CIA nhanh chóng phát huy tác dụng. Sau khi được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Bay không gian Marshall thuộc NASA, Tiến sĩ Wernher Von Braun cùng đội nghiên cứu của mình đã thay đổi thế giới theo đúng nghĩa đen với hệ thống tên lửa tối tân Saturn V mạnh nhất, lớn nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử. Saturn V chính là hệ thống tên lửa đẩy đưa phi hành đoàn Apollo 11 đổ bộ Mặt Trăng năm 1969.

Tên lửa Mặt Trăng Saturn V (thuộc dòng tên lửa Saturn) cho đến nay vẫn là 
tên lửa đẩy mạnh nhất, lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: NASA

 

Wernher Von Braun khi đó được mệnh danh là 'Cha đẻ chương trình vũ trụ Mỹ' và Hermann Koelle chính là 'cánh tay phải đắc lực' của Wernher Von Braun.

Không gia nhập đội ngũ các nhà khoa học công hiến trí óc cho Mỹ trong Chiến dịch Paperclip (Cái kẹp giấy) của CIA như Wernher Von Braun, phải đến gần 10 năm sau Hermann Koelle mới gia nhập đội ngũ các nhà khoa học làm việc cho ABMA (Cơ quan tên lửa đạn đạo quân đội Mỹ tại Huntsville, Alabama, Mỹ, trong đó có Wernher Von Braun).

Khi đó, quá trình chế tạo tên lửa vũ trụ đầu tiên của Mỹ đang trong quá trình vận hành suôn sẻ, điều này có thể giải thích tại sao Hermann Koelle ít được nhớ đến như Wernher Von Braun.

Điểm chung của Hermann Koelle & Wernher Von Braun: Bị khoảng không vũ trụ quyến rũ tột cùng

Dù Hermann Koelle kém Wernher Von Braun 13 tuổi nhưng hai tài năng khoa học Đức này đều có điểm chung là: Họ đều bị quyến rũ bởi khoảng không vô định của vũ trụ và khát khao mãnh liệt chinh phục khoảng không rộng lớn đó.

Khi còn là một thiếu niên vào cuối những năm 1920, Wernher Von Braun đã gia nhập một nhóm tên lửa nghiệp dư có tên Verien für Raumschiffahrt, chuyên thực hiện các thí nghiệm ban đầu với tên lửa nhiên liệu lỏng.

Năm 1932, ông được quân đội Đức bí mật thuê để tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa. Năm 1936, sau khi trở thành Giám đốc Kỹ thuật tại Trung tâm nghiên cứu Peenemünde bí mật của Đức Quốc xã, Wernher Von Braun bắt tay chế tạo tên lửa V-2 (viết tắt của từ tiếng Đức Vergeltungswaffen, có nghĩa là "Vũ khí báo thù"). V-2 là ên lửa đạn đạo tác chiến đầu tiên trong lịch sử.

Ngược lại, Hermann Koelle không có mối quan hệ nào với Peenemünde. Sinh năm 1925 tại Danzig, Đức (nay là Gdańsk, Ba Lan), Hermann Koelle say mê ngành hàng không khi mới 10 tuổi. Năm 1941, chàng trai nhận được món quà cho lần sinh nhật lần thứ 16 của mình là cuốn sách "Wege zur Raumschiffahrt" (Way to Spaceflight) được viết vào năm 1929 bởi Herman Oberth - một trong những cha đẻ của ngành du hành vũ trụ thế giới hiện đại.

Tháng 1/1942, Hermann Koelle tình nguyện tham gia Không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe), và nắm được cơ hội trở thành phi công lái nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau. Khi chiến tranh kết thúc, Hermann Koelle theo học bằng kỹ sư tại Học viện Công nghệ Stuttgart (nay là Đại học Stuttgart), đồng thời tiếp tục nghiên cứu về phi thuyền vũ trụ.

Năm 1950, Hermann Koelle liên lạc lần đầu với Wernher Von Braun, khi đó đang làm việc cho ABMA ở Mỹ.

Tiến sĩ Wernher von Braun (trái) và Hermann Koelle về sau chuyển công tác từ quân đội 
sang NASA làm việc. Tại đây họ đã tạo ra dòng tên lửa vũ trụ Saturn mạnh nhất trong lịch sử, 
trong đó có Saturn V đưa Apollo 11 đổ bộ Mặt Trăng thành công ngày 20/7/1969. Nguồn: NASA

 

Trong khi Wernher Von Braun đang gặp khó khăn với những thách thức kỹ thuật phức tạp trong việc chế tạo tên lửa nhiên liệu lỏng và kế hoạch không gian mang tên Dự án sao Hỏa thì Hermann Koelle 'giải vây' kịp thời.

Nhận được những ý kiến phê bình cùng đóng góp thẳng thắn sau những tính toán riêng của Hermann Koelle về 'tên lửa tối ưu', Wernher Von Braun thực sự bị ấn tượng với tài năng kỹ thuật và tầm nhìn xa của Hermann Koelle.

Để lấy bằng thạc sĩ tại Học viện Công nghệ Stuttgart, Hermann Koelle đã thiết kế thành công một động cơ tên lửa tiên tiến, nặng 100 tấn sử dụng nhiên liệu oxy và hydrazine (N2H4) lỏng.

Thành quả ấn tượng này đã thuyết phục được Wernher Von Braun, ông chính thức mời Hermann Koelle đến làm cộng sự của mình tại ABMA, Mỹ. Năm 1955, Hermann Koelle đến Mỹ, bắt đầu hành trình trở thành cộng sự đắc lực của 'Cha đẻ ngành vũ trụ Mỹ'.

Những cống hiến vĩ đại của tài năng Đức Hermann Koelle

Tại sao Tiến sĩ Wernher Von Braun lại có quyết định này trong khi quanh ông là rất nhiều kỹ sư tên lửa V-2 giàu kinh nghiệm? Bởi ông sớm nhận ra Hermann Koelle tuổi trẻ tài cao, sở hữu tài năng hiếm có để có thể hình dung và thiết kế ra các chi tiết kỹ thuật chính xác trong các cấu trúc không gian khổng lồ có thể được xây dựng trong tương lai.

Ban đầu, Hermann Koelle được chỉ định làm nhà khoa học nghiên cứu nhưng ông nhanh chóng vươn lên thành cố vấn khoa học hàng đầu của Tiến sĩ Wernher Von Braun, và đóng vai trò thiết kế cho phiên bản mở rộng của tên lửa PGM-11 Redstone - tên lửa đạn đạo lớn đầu tiên của Mỹ.

Dưới khối óc của Hermann Koelle, bằng việc bổ sung thêm các tầng phía trên, tên lửa Jupiter-C thuộc dòng PGM-11 Redstone đã trở thành tên lửa vũ trụ, nâng cánh đưa vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử Mỹ Explorer 1 lên vũ trụ ngày 31/1/1958.

Hermann Koelle tại văn phòng của ABMA. Ảnh: Air & Space/Smithsonian Magazine

 

Trong những năm đầu tiên của chương trình không dân sự Mỹ bối cảnh khi quốc gia này so găng căng thẳng với Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh, tài năng tên lửa Đức Hermann Koelle trở thành một trong những nhân vật đặt nền móng cho hệ thống tên lửa Saturn (trong đó Saturn V đến nay vẫn là tên lửa lớn nhất, mạnh nhất trong lịch sử nhân loại) cùng các phương tiện phóng hạng nặng khác.

Ông là 1 trong 11 nhà thiết kế của tên lửa Saturn I và tham gia thiết kế sơ bộ Saturn V. Trong những ngày thế giới chưa từng đặt chân lên bất kỳ thiên thể nào ngoài vũ trụ, Hermann Koelle thậm chí còn đưa ra kế hoạch chi tiết để tiến đến Mặt Trăng.

Đầu tháng 7/1960, dưới sự tiến cử của Tổng thống Dwight D. Eisenhower, Tiến sĩ Wernher Von Braun và đội ngũ nhà khoa học tài năng của ông (có Hermann Koelle) đã chuyển sang làm việc cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) khi đó mới thành lập được 2 năm.

Tại NASA, Hermann Koelle được bổ nhiệm vị trí đứng đầu Văn phòng Dự án Tương lai. Ở vị trí này, ông đã trở thành 'chiến lược gia' tham vọng nhất, có sức ảnh hưởng nhất đối với một NASA còn non trẻ và ấp ủ nhiều hoài bão không gian. Về bản chất, Hermann Koelle giám sát tất cả các khía cạnh của kế hoạch bay vào vũ trụ trong tương lai cho NASA.

Khi Tổng thống J.F. Kennedy ra lời hiệu triệu trước Quốc hội Mỹ năm 1961 về một nước Mỹ phải đưa bằng được người đổ bộ Mặt Trăng trước khi thập niên 1960 khép lại, đội ngũ kỹ thuật của NASA đã lao động ngày đêm, sáng tạo ngày đêm để rồi thiết kế thành công tàu vũ trụ Apollo và hệ thống tên lửa được mệnh danh là Tên lửa Mặt Trăng Saturn V, nâng cánh phí hành đoàn hoàn thành sứ mệnh thế kỷ tháng 7/1969.

Không chỉ góp công sức cho thành công ngoài sức tưởng tượng của loài người trên Mặt Trăng, chính Hermann Koelle còn là người đầu tiên đề xuất ý tưởng về một trạm vũ trụ nơi các phi hành gia sống và làm việc ngoài không gian. Ý tưởng của ông đã được hiện thực hóa thành trạm không gian đầu tiên trong lịch sử Mỹ - trạm Skylab, được phóng lên quỹ đão ngày 14/5/1973.

Trong suốt sự nghiệp khoa học cống hiến cho NASA, Hermann Koelle cùng nhiều nhà khoa học tài năng đã đưa ra những bản thảo đầu tiên về hệ thống tàu vũ trụ quỹ đạo thấp của Trái Đất có thể tái sử dụng, làm tiền đề cho NASA phát triển chương trình Tàu con thoi sau này.

Ngày 12/4/1981 (20 năm sau chuyến bay vào vũ trụ của phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin), NASA phóng tàu con thoi đầu tiên của cơ quan này (tên là Columbia) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy.

Cuối năm 1965, Hermann Koelle rời khỏi đội của Tiến sĩ Wernher Von Braun, rời NASA và rời Mỹ, để trở về Đức làm Giáo sư Hàng không & Vũ trụ tại Đại học Kỹ thuật Berlin, công tác tại vị trí này trong 30 năm rồi nghỉ hưu năm 1991.

Với những cống hiến không ngừng của ông cho ngành vũ trụ gồm các chủ đề về không gian tương lai và căn cứ trên Mặt Trăng, Hermann Koelle được mệnh danh là 'Vị giáo sư thứ hai của ngành du hành vũ trụ châu Âu' (người trước đó là phi hành gia người Áo, Eugen Sänger (mất hồi tháng 2/1964).

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã nhận được nhiều danh hiệu, trong đó có Huân chương Hermann Oberth từ Hiệp hội Công nghệ tên lửa và Vũ trụ Đức. Koelle qua đời năm 2011 ở tuổi 85.

Thành công của dòng tên lửa đẩy hạng nặng Saturn đã giúp Mỹ hiện thực hóa khát khao của Tổng thống J.F. Kennedy: Mỹ đưa người đổ bộ Mặt Trăng thành công. Chiến tích vô tiền khoáng hậu này đã giúp Mỹ chiến thắng Liên Xô dưới thời Chiến tranh Lạnh.

Từ nước cờ quyết định của CIA (chiến dịch Paperclip), mà Mỹ mới có các tài năng tên lửa Đức Wernher Von Braun, có sự hợp tác đầy duyên nợ với Hermann Koelle trong tay. Chiến công hiển hách của Apollo 11 vì thế phải luôn nhớ đến những 'người hùng thầm lặng', đã từng vì sự vĩ đại ấy mà cống hiến trí óc hết mình...

Nguồn: Tri thức trẻ
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu