A- A A+ |

MỨC PHẠT KHI KINH DOANH DỊCH VỤ CẦM ĐỒ MÀ KHÔNG CÓ GIẤY PHÉP

Cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ

 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an Thanh Hóa đã kiểm tra, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 cá nhân, tổ chức về hành vi không có giấy phép kinh doanh mà vẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ (trong đó có cơ sở kinh doanh vàng bạc, kinh doanh mua bán, trao đổi xe máy, điện thoại cũ...), phạt tiền 220 triệu đồng và đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố”.

Để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cá nhân, tổ chức bắt buộc phải kinh doanh dưới hình thức “hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp”. Trong trường hợp “không có giấy phép kinh doanh mà vẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ” thì cơ sở kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

1. Căn cứ Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng “quy định hoạt động kinh doanh mà không có làm giấy phép cầm đồ” thì bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;

b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;

c) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;

d) Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.

2. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, căn cứ Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trọng lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, chủ thể còn bị xử phạt hành chính như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 09 tháng đối với cơ sở kinh doanh).

 

Cơ sở kinh doanh mua bán xe máy cũ

 

Để góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị:

1. Các cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh không được kinh doanh dịch vụ cầm đồ khi chưa có giấy phép kinh doanh, chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh mua bán, trao đổi ô tô, xe máy, điện thoại, máy vi tính, laptop cũ, cơ sở kinh doanh vàng bạc… trên địa bàn tỉnh.

2. Mọi người dân kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an về việc cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm về kinh doanh dịch vụ cầm đồ khi chưa có giấy phép kinh doanh, chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

 


Tác giả: N.T.H - Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu