A- A A+ |

Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp

Ngày 01/7/2025 vừa qua đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của dân tộc Việt Nam, là ngày hoạt động đầu tiên của các địa phương tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong cả nước. Đây là sự kiện lịch sử vô cùng đặc biệt trong tiến trình dân tộc bước vào kỷ nguyên mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương lớn, đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, dịp này Việt Tân, đài RFA, RFI và một số trang mạng xã hội của các tổ chức phản động trong và ngoài nước vẫn chiêu bài cũ, cố tình xuyên tạc, thực hiện các hoạt động chống phá nhằm xuyên tạc đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gây mất đoàn kết trong Đảng, nghi ngờ trong Nhân dân, từ đó nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Các thế lực thù địch cho rằng việc việc sáp nhập tỉnh, điều chỉnh địa giới hành chính sẽ “xóa sổ văn hóa, lịch sử địa phương”. Thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh địa giới hành chính không hề xóa bỏ lịch sử, văn hóa của địa phương, ngược lại là để các giá trị ấy được bảo tồn và phát huy tốt hơn trong không gian phát triển mới. Việc sáp nhập tỉnh chỉ là thay đổi về đơn vị hành chính quản lý, không làm người dân mất đi bản sắc hay truyền thống đã gắn bó. Lịch sử hàng trăm năm, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của mỗi vùng đất vẫn tiếp tục được giữ gìn trong đời sống cộng đồng và sử sách. Tên gọi hành chính có thể thay đổi theo yêu cầu phát triển, nhưng truyền thống lịch sử vẻ vang và văn hóa tốt đẹp của địa phương sẽ được kế thừa trong thực thể hành chính mới. Điều đó cho thấy, luận điệu “sáp nhập là xóa sổ văn hóa lịch sử” hoàn toàn vô căn cứ. Tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: việc nghiên cứu sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh phải bảo đảm sự ổn định để phát triển kinh tế – xã hội, xét trên nhiều yếu tố như quốc phòng an ninh, vị trí địa chính trị, quy hoạch vùng, văn hóa của cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, chúng xuyên tạc cho rằng sáp nhập sẽ làm “mất dân chủ, tập trung hóa quyền lực, không đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội”. Trên thực tế, việc bỏ cấp huyện, tiến tới mô hình quản lý hai cấp (tỉnh, xã) không chỉ là bước đi mang tính logic trong quá trình hiện đại hóa bộ máy Nhà nước, mà còn là giải pháp tiết kiệm chi phí, tinh giản biên chế, giảm áp lực ngân sách, đồng thời tạo điều kiện để chính quyền cơ sở tiếp cận người dân một cách trực tiếp, nhanh chóng hơn. Việc sáp nhập xã, sáp nhập tỉnh là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phục vụ tốt hơn việc phát triển kinh tế – xã hội nâng cao đời sống nhân dân. Với các xã có quy mô dân số quá nhỏ, hạ tầng yếu kém, hiệu lực quản lý thấp thì việc sáp nhập sẽ giúp tập trung nguồn lực, đầu tư đồng bộ, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện đời sống người dân. Việc hình thành những đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô lớn hơn, điều kiện thuận lợi hơn cũng sẽ tạo ra động lực mới về phát triển kinh tế vùng, tăng tính kết nối và khả năng thu hút đầu tư. Việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước nói chung và đơn giản hoá thủ tục hành chính nói riêng. Đây là tiền đề để Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng tối đa các nguồn lực quốc tế vào phát triển đất nước.

Việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các nội dung cải cách hành chính khác như cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Thực hiện những cải cách này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước; là nhân tố thúc đẩy sự ổn định về chính trị, sự phát triển mạnh mẽ và bền vững về kinh tế-xã hội.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: “Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các đề án kèm theo là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ; mà còn phân cấp về thẩm quyền; bố trí lại đơn vị hành chính; phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới”.

Như vậy, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là yêu cầu, đòi hỏi khách quan nhằm đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, phù hợp với xu thế hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đây là một cuộc cách mạng toàn diện. Nó không chỉ đóng góp về sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang lại hiệu quả và tác động tích cực, mạnh mẽ đến quá trình hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế và sự phát triển bền vững của đất nước, là chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.

Mỗi người dân cần đề cao cảnh giác và nâng cao nhận thức trước các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của thế lực thù địch về mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; cần nhận thức rõ ràng ý nghĩa và sự cần thiết của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của chính mỗi người dân./.


Tác giả: Phòng An ninh nội địa
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu