Phát huy vai trò Nhân dân giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bài 2:  “Không ai có thể đứng ngoài cuộc”

Tham nhũng là “giặc nội xâm” vì tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nhưng tham nhũng được ngụy trang rất tinh vi, gắn với quyền lợi, quyền lực nên cuộc chiến chống tham nhũng luôn cam go, phức tạp.  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: chống tham nhũng - không ai có thể khoanh tay đứng nhìn, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Song để phát huy hiệu quả vai trò của Nhân dân trong cuộc chiến đấu này, cần phải tiếp tục tháo những điểm nghẽn.

Gỡ những điểm nghẽn

Các chủ trương của Đảng đã được thể chế hóa thành các đạo luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng (PCTN), Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Gần đây nhất Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW  ngày 10/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, song thực tế tỷ lệ người dân tham gia đấu tranh với các hành vi sai trái, tiêu cực, tố giác tội phạm tham nhũng vẫn rất khiêm tốn, vai trò của nhân dân trong PCTN vẫn còn có những hạn chế.  Để gỡ “điểm nghẽn” này, cần tiếp tục phải có những hướng dẫn, quy định cụ thể hơn để khuyến khích,  động viên, tạo sự an tâm đối với người cung cấp các nguồn tin tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực, cũng như tiếp tục xây dựng cơ chế để Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Một nhân viên y tế cung cấp thông tin ban đầu về những dấu hiệu vi phạm trong việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội tại đơn vị của mình cho biết  không dám đứng tên công khai, không dám lộ diện tố giác vì sợ thông tin lộ, lọt, bị trù dập. Ông Nguyễn Đình Kiệm, thôn Nga Linh, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, người đeo đuổi đến cùng nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại địa phương bộc bạch: Việc đưa các sai phạm ra ánh sáng không dễ dàng gì. Ông  đã gặp không ít trở ngại, khó khăn như tuổi tác, sức khỏe, sự đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ, cơ quan chức năng, thậm chí có cả sự nguy hiểm đối với bản thân ông khi ông quyết tâm đeo bám sự việc. Nhưng ông luôn suy nghĩ: “Mình làm cái việc đưa lại sự công bằng cho Nhân dân, bảo vệ sự tồn vong của Đảng thì tôi nghĩ việc khó khăn đến mấy thì mình cũng nên cố gắng”. Một số ý kiến khác cho rằng việc chậm xác minh, xử lý của cơ quan chức năng làm đối tượng có hành vi xóa dấu vết, chứng cứ đã ảnh hưởng uy tín người tố cáo. Hoặc việc xử lý sai phạm của đối tượng chưa nghiêm minh dẫn đến đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài, giảm sút niềm tin của công dân. 

Việc khó tiếp cận các thông tin, thiếu công khai, minh bạch cũng là trở ngại đối với người dân. Theo thống kê, năm 2020 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa đạt 63,91 điểm (tụt 4 bậc so với năm 2019). Nguyên nhân do tốc độ cải thiện của một số chỉ số thành phần còn ở mức thấp, một số chỉ số thành phần quan trọng bị tụt giảm về điểm và thứ hạng. Ví như điểm số về tính minh bạch năm 2020 giảm 42 bậc so với năm 2019; chi phí không chính thức giảm 6 bậc. Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh từng bức xúc:  “Tôi thấy còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức Nhà nước chưa tập trung cao độ để giải quyết công việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhũng nhiễu trong khâu cải cách thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thực hiện hồ sơ pháp lý, dự án, dẫn đến làm cho doanh nghiệp khó khăn. ... Vì vậy mà doanh nghiệp muốn nhanh, muốn rút gọn thời gian thì cũng có thể xảy ra những chuyện tiêu cực”. Tuy nhiên, việc “chỉ mặt, đặt tên” hành vi nhũng nhiễu không phải dễ. Thậm chí, thay vì tố giác những hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền thì nhiều người lại sẵn sàng chi tiền để “được việc”, đỡ rắc rối. Điều đó đã tạo nên tiền lệ xấu khi lâu dần việc “bồi dưỡng”, “bôi trơn” trong nhiều trường hợp đã được nhiều người coi là việc làm bình thường, hiển nhiên, làm giảm động cơ chống tiêu cực. 

Hoạt động giám sát trực tiếp của Nhân dân chủ yếu thông qua  Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, nhưng hoạt động của tổ chức này ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế, hình thức… Ông Nguyễn Duy Biên – Chủ tịch MTTQ phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn cho rằng: Để nâng cao chất lượng của Ban giám sát GSĐTCCĐ  thì phải quan tâm hơn đến năng lực, trình độ và kinh phí hoạt động cho các thành viên Ban. Ngoài ra phải tăng thẩm quyền cho Ban GSĐTCCĐ. Ban GSĐTCCĐ hiện chỉ được theo dõi, giám sát, kiến nghị với chủ đầu tư quá trình thi công công trình, nhưng quá trình nghiệm thu và thanh quyết toán công trình lại không được giám sát khâu sau, đó là một bất cập. 

Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội có nơi, có lúc chưa hiệu quả, chưa khai thác và huy động tối ưu sự giám sát của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, cơ chế giám sát thiếu chặt chẽ nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn trong giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập, sinh hoạt, phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Mở rộng nhiều kênh tiếp nhận thông tin - lắng  nghe tiếng nói của Nhân dân

Để tăng tính tương tác 2 chiều, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đã mở rộng thêm các hình thức tiếp nhận thông tin nhân dân phản ánh thông qua đường dây nóng hoặc qua trang thông tin điện tử, mạng xã hội (facebook, zalo, fanpage...). Đặc biệt, mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng chống tội phạm qua Zalo, Facebook đang được thực hiện tại tất cả Công an các xã, phường, huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Người dân có thêm kênh tiếp cận kiến phức pháp luật, nâng cao ý thức phòng ngừa và tích cực tham gia tố giác, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật. 

Kể từ khi được đưa vào vận hành, hệ thống Phản hồi Thanh Hóa (https://phanhoi.thanhhoa.gov.vn)  đã tạo ra hiệu ứng khá tốt. Ngoài các hỏi - đáp thủ tục hành chính đơn thuần, người dân đã thể hiện ngay thái độ về thái độ, lề lối làm việc của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn tắc trách, chậm trễ, chưa đề cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Gần đây nhất, ngày 30-6, bà Vũ Thị Vệ ở xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, đã phản ánh trên hệ thống http://phanhoi.thanhhoa.gov.vn về việc bà phải chờ quá hạn theo thời gian tại giấy hẹn và trả kết quả mà vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết TTHC.  Qua rà soát,  Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời, trong đó lãnh đạo Sở đã yêu cầu bộ phận liên quan rà lại quá trình xử lý hồ sơ, nếu vi phạm thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, công khai xin lỗi người dân.  Trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 253 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân  qua hệ thống phản hồi Thanh Hóa và Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Thông qua các phản ánh, kiến nghị của công dân, đã giúp cho các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị nắm bắt kịp thời hơn những vấn đề đang vướng mắc, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện, những hành vi chậm trễ, gây phiền hà của cán bộ, công chức.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư cũng sẽ phát huy được vai trò và sức mạnh của Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Theo số liệu của Thanh tra tỉnh, 9 tháng năm 2021 đã giải quyết 665 vụ việc (đạt 88%); thông qua giải quyết khiếu nại đã thu hồi cho Nhà nước 295 triệu đồng và 372 m2 đất, trả lại cho tập thể, cá nhân 450,2 triệu đồng, 15.915 m2 đất, bảo vệ quyền lợi cho 97 cá nhân, 2 tổ chức, kiến nghị xử lý hành chính 7 người. Qua giải quyết đơn tố cáo (124 vụ, đạt tỷ lệ 92,5%), đã thu hồi cho Nhà nước 1,108 tỷ đồng, 556 m2 đất, trả lại cho tập thể, cá nhân 75 triệu đồng, kiến nghị xử lý trách nhiệm 26 người. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội

Ngoài giám sát, phản ánh trực tiếp, người dân có thể tham gia PCTN thông qua các tổ chức đại diện, bao gồm MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội.  Luật PCTN năm 2018 đã quy định rõ trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên trong PCTN, đó là: Phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN; kiến nghị việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng;  tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về PCTN, động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật vềphòng, chống tham nhũng...  

Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 8-2021, MTTQ các cấp trong toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức 8.784 cuộc giám sát; trong đó, MTTQ chủ trì tổ chức 3.502 cuộc giám sát độc lập, phối hợp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành có liên quan cùng cấp giám sát 5.282 cuộc trên các lĩnh vực Nhân dân và cử tri trong tỉnh quan tâm, trong đó có những lĩnh vực nóng như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu phí, lệ phí, quản lý tài nguyên...   Ngoài ra, MTTQ các cấp đã phản biện xã hội đối với 1.004 dự thảo các văn bản của cấp ủy, các chương trình, đề án, các cơ chế chính sách của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh (trong đó phản biện bằng tổ chức hội nghị là 193 cuộc). 

Đồng chí Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết:  Thông qua các cuộc giám sát, các kiến nghị của MTTQ các cấp đều được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời. Thông qua thực hiện phản biện xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng các văn bản dự thảo và cơ chế, chính sách ban hành, hạn chế, khắc phục những “sơ hở” dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí. 

Việc hoàn thiện cơ chế và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp là một trong những biện pháp để đưa hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ ngày càng đi vào thực chất hơn. Tuy nhiên, ý kiến dư luận cũng cho rằng cần có thêm cơ chế cụ thể để thực hiện các Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện hơn cho Nhân dân bày tỏ ý kiến, cụ thể hóa vai trò giám sát của người dân, nhất là trong việc giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, những dấu hiệu bất minh trong thu nhập, tài sản. Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo theo hướng cụ thể, đồng bộ, làm rõ những biểu hiện của hành vi trả thù, trù dập người tố cáo dưới mọi hình thức để làm cơ sở nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này.

Phòng chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải là công việc nội bộ của Đảng, mà cũng chính là thực hiện việc giữ gìn, củng cố và phát huy mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Để huy động được mọi tâm huyết, đóng góp của quần chúng nhân dân, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho quần chúng Nhân dân, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia. Tuy nhiên, giám sát, phản biện của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng Nhân dân chỉ mang tính chất xã hội, tính bắt buộc không cao. Chỉ khi vai trò làm chủ của Nhân dân được phát huy, dân chủ trong xã hội được thực hành thực chất và rộng rãi, thì việc huy động tính tích cực của quần chúng Nhân dân trong PCTN, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh mới đạt hiệu quả như mong muốn. Và đi cùng với đó, là sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp chính quyền,  kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của MTTQ, báo chí và Nhân dân./.

Tác giả: Việt Linh – Phan Nga – Thái Thanh
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu