PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG, LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PCCC CÔNG AN THANH HÓA TIẾP TỤC ĐOÀN KẾT, NỖ LỰC PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Cách đây 60 năm, ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53 ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy”. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành đặc biệt của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu đối với công tác PCCC. Từ đó đến nay, ngày 4/10 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC cả nước, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, trở thành lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới của đất nước, quê hương ngày nay.
Những ngày đầu mới thành lập, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, lực lượng còn non trẻ, nghiệp vụ giản đơn, biên chế ít, phương tiện thô sơ, nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng, tinh thần trách nhiệm cao trước công việc, những chiến sỹ Cảnh sát PCCC Công an Thanh Hóa đã luôn kề vai sát cánh và phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ khác vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ trị an, vừa tập trung xây dựng lực lượng PCCC cơ sở vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ PCCC, bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước và tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong 2 lần giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, Thanh Hoá là địa bàn trọng điểm bị máy bay, tàu chiến Mỹ oanh tạc, bắn phá ác liệt suốt ngày đêm. Nhiệm vụ công tác PCCC lúc này được gắn liền với công tác phòng không, sơ tán và xây dựng lực lượng dân phòng, tổ chức cứu chữa các vụ cháy do máy bay Mỹ đánh phá gây ra. Trong thời kỳ này, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Thanh Hóa đã trực tiếp chiến đấu 123 trận, cứu được hơn 3 nghìn tấn xăng dầu, hơn 8 nghìn tấn lương thực; hơn 3 nghìn tấn đạn dược; 12 tên lửa, 83 xe cơ giới và nhiều hàng hoá, quân trang, quân dụng, 3.200 nóc nhà, cứu sống nhiều người bị sập hầm.
Điển hình như: vụ chữa cháy nhà máy điện Hàm Rồng (năm 1967); vụ chữa cháy kho xăng dầu Ba Khe và vụ chữa cháy khu lắp ráp tên lửa của quân đội tại đồi Nhơm, huyện Triệu Sơn (năm 1972)..vv.. Trong những trấn chiến đấu oanh liệt này, các chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã nêu cao tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh, xả thân vào nơi khói lửa, bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, dập tắt nhiều vụ cháy lớn bảo vệ an toàn tài sản XHCN, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Trong đó, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh , nhiều đồng chí bị thương đã để lại một phần máu xương vì hòa bình, độc lập của đất nước, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương và của lực lượng Công an Thanh Hóa.
Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các khu công nghiệp, khu đô thị, các công trình nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ… ngày càng được mở rộng và phát triển, kèm theo đó là nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí gas, hàng hoá, vật tư dễ cháy trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ngày càng tăng nên nguy cơ xảy ra cháy, nổ ngày càng cao. Do đó nhiệm vụ công tác đảm bảo an toàn PCCC ngày càng được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp cũng được quan tâm bổ sung thêm về quân số và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao về trình độ nghiệp vụ. Ngoài công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra hướng dẫn công tác PCCC ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, lực lượng PCCC đã tích cực tham mưu, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng PCCC dân phòng đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác PCCC tại chỗ.
Đặc biệt, sau 20 năm triển khai thi hành Luật PCCC (2001- 2021), lực lượng Cảnh sát PCCC đã luôn phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh và cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCCC. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn Luật PCCC; phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào "Toàn dân PCCC" gắn với việc tổ chức củng cố lực lượng dân phòng; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC rừng, xây dựng nội quy an toàn PCCC cho từng bản làng, thôn xóm, khu phố; xây dựng và nhân rộng hàng trăm phong trào, mô hình PCCC ở cơ sở.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã kiện toàn và duy trì hoạt động của 559/559 Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn cứu hộ cấp xã; thành lập gần 8 nghìn đội PCCC cơ sở với gần 35 nghìn thành viên; hơn 4 nghìn đội dân phòng với gần 44 nghìn đội viên; 8 đội chữa cháy chuyên ngành với 258 đội viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH tại cơ sở. Chính nhờ có phong trào toàn dân tham gia PCCC hoạt động hiệu quả nên nhiều sơ hở thiếu sót có nguy cơ gây cháy ở các cơ sở sản xuất và khu dân cư đã được phát hiện và khắc phục kịp thời; lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đã phối hợp với Nhân dân phát hiện và dập tắt hơn 60% vụ cháy xảy ra, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Năm 2014, trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm PCCC và CNCH trong tỉnh hình mới, Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập trên cơ sở tách ra từ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh. Sau 4 năm hoạt động với vai trò là đơn vị cấp Sở trực thuộc Bộ Công an và UBND tỉnh, đến năm 2018 thực hiện Đề án của Bộ Công an về “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh sáp nhập về Công an tỉnh, với cơ cấu tổ chức cấp Phòng gồm 5 đội nghiệp vụ; 4 đội Chữa cháy và CNCH khu vực.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã luôn chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh việc thực hiện luật PCCC và một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về công tác PCCC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập nâng cao khả năng xử lý tình huống, tham gia nhiều vụ chữa cháy lớn. Thông qua đó đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra; trực tiếp tổ chức chữa cháy, CNCH hiệu quả, kịp thời, cứu người, cứu tài sản. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã tham gia chữa cháy gần 600 vụ, cứu được 647 người trong đám cháy; xử lý hơn 200 vụ liên quan đến sự cố hệ thống thiết bị điện thiệt; trực tiếp tổ chức CNCH 237 vụ tai nạn, sự cố cứu được 167 nạn nhân và tìm kiếm 148 thi thể nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng.
Với những thành tích kết quả đạt được, trong suốt 60 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thanh Hóa đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, Phòng Cảnh sát PCCC được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Huân chương Chiến Công hạng nhì; hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, huy chương, Bằng khen. Những thành tích, chiến công to lớn đó đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công an Thanh Hoá Anh hùng.
Trong những năm tới đây, đất nước và tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao ngày càng nhiều; tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều nhà cao tầng sẽ được xây dựng; việc sử dụng các nguồn năng lượng như xăng dầu, khí đốt, điện, hoá chất tăng mạnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ngày càng cao. Bên cạnh đó, hậu quả của việc biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn kéo dài, bão lũ thiên tai, tai nạn lao động nghiêm trọng trong xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản..vv.. đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Tình hình đó đặt ra cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới ngày càng khó khăn, phức tạp và nặng nề hơn.
Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Thanh Hoá cần phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật và các quy định về PCCC, cũng như Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo "PCCC là sự nghiệp của toàn dân và toàn xã hội", phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, lấy phòng là chính, trong đó lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chữa cháy tại chỗ là yếu tố bền vững và là biện pháp cơ bản hữu hiệu nhất.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trong công tác PCCC và CNCH; tập trung nhân rộng và xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến về PCCC ở cơ sở.
Ba là, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thấp nhất nguyên nhân xảy ra cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ.
Bốn là, tổ chức tốt công tác thường trực chiến đấu đi đôi với việc thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào công tác PCCC và CNCH. Hoàn thiện và tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy để luôn chủ động và sẵn sàng chữa cháy trong mọi tình huống, đảm bảo yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra.
Năm là, Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” gắn với 4 điều Bác Hồ dạy lực lượng Cảnh sát PCCC. Từng bước xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác PCCC và CNCH trong tình hình hiện nay./.
Tác giả: Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh