Làm thế nào để nhận biết đối tượng loạn thần - ngáo đá?
“Đối tượng “ loạn thần - ngáo đá” là đối tượng có xuất phát điểm từ việc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng lại có những biểu hiện, hành vi gây mất trật tự công cộng, thực hiện các hành động vô cùng dã man gây bức xúc trong dư luận và gây ảnh hưởng lớn tới tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Người “ngáo đá” được ví như quả bom nổ chậm trong gia đình, cộng đồng và xã hội”.
Các đối tượng “loạn thần - ngáo đá” thường có các biểu hiện như sau:
Trạng thái tâm lý: Bị trầm cảm, luôn ở trong trạng thái lo âu, buồn chán, ở một mình và có thể dẫn đến tự sát; mất ngủ liên tục hoặc mất ngủ gián đoạn sau đó ngủ trong thời gian dài hoặc mất ngủ vĩnh viễn; nhìn thấy các hình ảnh không có thật, nghe thấy tiếng nói trong đầu không có thật xui khiến, ra lệnh cho họ phải làm việc này, việc kia, thấy ngứa ngáy do tưởng có côn trùng bò trên da, cắn da, cảm thấy như có rắn nằm trong não, đỉa trong tim; cho rằng có người làm hại mình, định giết mình…
Các biểu hiện hành vi: Thường mất kiểm soát hành vi như nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo, nói chuyện một mình…; dùng vật sắc nhọn hoặc dùng dao cứa vào cơ thể của mình gây thương tích, tự hủy hoại thân thể; có các hành vi hoang tưởng, loạn thần như: Bơi trên cạn, leo nóc nhà, leo lên trụ điện hay bất cứ vị trí nào trên cao (những việc khó mà lúc bình thường tỉnh táo không thực hiện được), cởi bỏ quần áo đi ngoài đường…; có các hành vi tấn công chém giết người bên cạnh bất kể là ai, kể cả người thân của mình hoặc những người già, trẻ em mà không lường trước được hậu quả do mình gây ra; có hành vi lặp lại, dập khuôn như thu thập và tháo lắp các thiết bị, vật dụng…
Việc quản lý, phòng ngừa đối tượng “loạn thần - ngáo đá” đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các lực lượng chức năng, đặc biệt là gia đình có người thân “loạn thần - ngáo đá”. Quản lý chặt chẽ người ngáo đá chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bình yên cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.