Học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhìn lại từ tấm gương của các bậc phụ huynh
Từ đầu năm học 2024-2025, nhằm bảo đảm an toàn cho các em học sinh mỗi ngày đến trường, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Thanh Hóa đã tăng cường lực lượng, triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh; cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nhiều học sinh, phụ huynh vi phạm; đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật, ký cam kết về an toàn giao thông (ATGT) tại các nhà trường từ Tiểu học đến bậc Đại học với sự tham gia của nhiều học sinh, giáo viên và các phụ huynh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng làm thay đổi tích cực về mặt nhận thức, ý thức của các em học sinh, phụ huynh, giáo viên trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, làm giảm các vi phạm của học sinh, phụ huynh và kiềm chế tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Tuy nhiên, thực tế tại các cổng trường cho thấy vào thời điểm đến trường và khi tan học vẫn còn tình trạng học sinh, phụ huynh đưa đón con đến trường vi phạm TTATGT. Việc này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, mà còn làm xấu đi hình ảnh của các em học sinh, phụ huynh tại các cổng trường, đã tác động rất lớn đến nhận thức, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành văn hoá, thói quen khi tham gia giao thông của chính các em ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Theo đó, việc đội mũ bảo hiểm bắt buộc cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông của nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa nghiêm túc. Tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở vào giờ học sinh đến và tan trường có nhiều học sinh được bố mẹ, ông bà sử dụng xe mô tô, xe gắn máy đưa đón đều không đội mũ bảo hiểm hay trang bị nhắc nhở các cháu đội mũ bảo hiểm để bảo đảm an toàn, thậm chí ngay chính các bậc bậc phụ huynh không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, dừng đỗ xe không đúng quy định, cố tình chen lấn nhau gây ách tắc giao thông... Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt hoặc nhắc nhở, đa phần phụ huynh đều đưa ra rất nhiều lý do nhằm biện minh cho hành vi vi phạm của mình, thậm chí xui các cháu nói dối để tránh bị phạt. Từ những việc làm, hành động, hình ảnh này vô tình đã tác động đến nhận thức, suy nghĩ và tạo thành thói quen không tốt cho các cháu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Tại các trường Trung học cơ sở, trung học phổ thông nhiều phụ huynh học sinh biết con chưa đủ tuổi, chưa được học, chưa được đào tạo, tập huấn kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện đến trường nhưng vẫn không nhắc nhở hoặc có biện pháp quản lý hiệu quả, thậm chí còn mua xe để các em tự điều khiển đến trường. Đến khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vi phạm thì tỏ thái độ không đồng tình, bất hợp tác, đưa ra nhiều lý do khác nhau để biện minh cho những vi phạm đó.... Những hành động, việc làm trên của phụ huynh càng khiến các em học sinh có cái nhìn méo mó, ngược lại những vấn đề mà các em được giáo dục trong nhà trường hay được biết thông qua các buổi tuyên truyền tại nhà trường và trên các phương tiện truyền thông. Đó là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến việc hình thành ý thức, thói quen xem nhẹ việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông ở lứa tuổi này, để sau này phải chịu những hậu quả đáng tiếc, đau thương khi xảy ra tai nạn giao thông, rồi chính các bậc làm cha làm mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Để giúp các em học sinh, là thế hệ tương lai của đất nước được sống trong môi trường văn minh, văn hoá, an toàn, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, trước hết là hình thành văn hoá thói quen chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Lực lượng CSGT Thanh Hoá khuyến cáo các bậc phụ huynh, nhất là bố mẹ của các em phải luôn gương mẫu chấp hành và hướng dẫn con em mình các kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông. Cương quyết không dung túng khi con trẻ có những hành vi vi phạm TTATGT. Bởi phần nhiều các con được học và nhìn từ chính tấm gương của bố mẹ hằng ngày; từ những việc làm hành động chuẩn mực của các bậc phụ huynh tưởng chừng rất nhỏ từ ngày hôm nay, sẽ từng bước hình thành nên văn hoá, thói quen tốt cho các em mai sau./.