Khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Chiều 14/3/2022, tại Hà Nội, bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học "Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ" Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Bộ Công an đến điểm cầu Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trung tướng, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Ủy viên trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì và điều hành Hội thảo. Tham dự Hội thảo tại Hội trường Bộ Công an có PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan của Đảng, Quốc hội…

Tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hoá, đồng chí Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá; các sở, ngành có liên quan và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.Tại Hội thảo đã có 10 ý kiến phát biểu tham luận trực tiếp tại Hội trường Bộ Công an và các điểm cầu của các đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài lực lượng CAND. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn nhận được 32 báo cáo khoa học hết sức chất lượng, tâm huyết, được đăng trong kỷ yếu Hội thảo.

Tham gia thảo luận tại Hội thảo, tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính đã tham gia tham luận với chủ đề: “Hoàn thiện cơ sở pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện Luật giao thông đường bộ hiện nay”. Tham luận nêu rõ: Thanh Hóa là một trong những địa phương có hệ thống giao thông đường bộ lớn, mật độ người tham gia giao thông đông. Thực tiễn ở địa phương cho thấy, để triển khai hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước về trật tự ATGT đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng Nhân dân; ngoài lực lượng CAND phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. Phối hợp trong tham mưu, cụ thể hóa chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT; phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; điều tra, giải quyết TNGT; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Những năm vừa qua, sự phối hợp đó đã góp phần bảo đảm ổn định tình hình trật tự ATGT trên địa bàn.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính đã tham gia tham luận tại Hội thảo

 

Tuy nhiên, quá trình phối hợp thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân cụ thể do tồn tại, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Chẳng hạn, thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập; chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về các biện pháp tổ chức ATGT, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; chưa có quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết TNGT đường bộ của Cơ quan Công an, Y tế, Bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...

Từ những đánh giá trên, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa kiến nghị, Bộ Công an tiếp tục tham mưu Chính phủ, Quốc hội sớm hoàn thiện và ban hành Luật trật tự ATGT đường bộ nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ; quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp theo nguyên tắc "một cơ quan thực hiện nhiều việc và 1 việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính", đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, các ý kiến đã phân tích, làm sâu sắc luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ, đồng thời phân tích, làm sâu sắc luận cứ thực tiễn phản ánh sự cần thiết và cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ trong tình hình hiện nay ở Việt Nam.

Nhiều tham luận đã đánh giá thực tiễn TTATGT đường bộ ở một số địa phương cũng như yêu cầu khách quan thực tiễn đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp luật về TTATGT đường bộ, trong đó có đề xuất xây dựng, ban hành dự án luật. Các tham luận đã thể hiện rõ sự nghiên cứu công phu, tâm huyết và đầy trách nhiệm, sự trăn trở trước một lĩnh vực mà lâu nay được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí quan tâm...

Đồng chí Thứ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến, chú ý những vấn đề mới, lạ, khó, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm mà dư luận cả nước hiện nay đang quan tâm để hoàn thiện kết luận, gửi đến đại biểu tham dự tại hội trường và 63 tỉnh, thành, cũng như thực hiện các quy trình về xây dựng luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các đại biểu đã tham gia viết bài tham luận và tới dự hội thảo; ghi nhận các ý kiến sâu sắc và đóng góp quý báu, nhất là đã đề xuất giải pháp thiết thực góp phần vào thành công của hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh: "Những ý kiến quý giá đó sẽ làm luận cứ cho chúng tôi tiếp tục tiếp thu, giải trình và xây dựng các bước tiếp theo hoàn thiện Dự án Luật TTATGT đường bộ trình Chính phủ cho ý kiến, qua đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới đây".                             

Tác giả: Sơn Hà
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu