A- A A+ |

Không giao xe cho thanh, thiếu niên, học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển

   Từ đầu tháng 10 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh tăng cường phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời quyết liệt triển khai các biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, phạt tiền trên 1,5 tỷ đồng, trong đó có hơn 700 trường hợp bị xử phạt lỗi vi phạm giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điển khiển. Qua đó, làm chuyển biến, thay đổi một cách tích cực về nhận thức, kéo giảm vi phạm của học sinh, phụ huynh khi tham gia giao thông.

Lực lượng CSGT Thanh Hoá kiên quyết xử lý tình trạng học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông

  

    Tuy nhiên, tình trạng thanh thiếu niên, học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn còn xảy ra, tập trung nhiều tại các trường Trung học cơ sở và trung học phổ thông (chủ yếu là học sinh lớp 9, 10), vào giờ đến trường và tan học tại khu vực xung quanh các cổng trường này vẫn có học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, qua công tác thống kê, theo dõi trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, để lại những hậu quả hết sức thương tâm, đau lòng cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Hiện trường vụ TNGT xảy ra ngày 12/10/2024 tại đường QL217, thuộc huyện Hà Trung làm 01 em học sinh tử vong tại chỗ

   

   Thực tế cho thấy, việc học sinh điều khiển các loại phương tiện trên đến trường nhưng chưa được học luật, thiếu hoặc chưa có kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông, cộng với tâm lý muốn thể hiện bản thân của tuổi mới lớn nên rất dễ gây TNGT. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh vẫn đang lầm tưởng hoặc không nắm rõ quy định của pháp luật về độ tuổi được phép điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện nên vẫn mua xe và để con em sử dụng để đi học. Qua đó, cho thấy các bậc phụ huynh vẫn chưa ý thức hết được những nguy hiểm đối với chính con em mình và cả những hệ lụy về mặt pháp luật đối với chính bản thân người làm cha, làm mẹ; cũng đã xảy không ít vụ TNGT do chính các em gây ra đã làm cho cha mẹ là người giao phương tiện phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xảy ra TNGT nghiêm trọng dẫn đến chết người.

Tháng 3/2024, một người mẹ (giao xe cho con trai) đã bị toà án nhân dân huyện Chư Prong tuyên phạt 24 tháng tù treo về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trong vụ tai nạn giao thông xảy ra tại tỉnh Gia Lai làm 04 người chết

   

   - Theo quy định tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về độ tuổi điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy như sau:

   + Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 .

   + Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự .

   - Mức xử phạt  đối với người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP):

   + Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô.

   + Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.

   - Mức xử phạt lỗi giao xe hoặc để cho cho người chưa đủ 18 tuổi điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy (quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP):

   + Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy.

   + Phạt từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

   + Trường hợp nếu xảy ra tai nạn giao thông, thì theo tính chất mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

   Nhằm làm giảm và kiềm chế TNGT liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là đối với học sinh; Công an tỉnh Thanh Hoá tiếp tục khuyến cáo gia đình, phụ huynh không giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cần quản lý tốt việc sử dụng phương tiện đối với con em mình. Bên cạnh đó, nhà trường, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến từng gia đình, người dân quy định của pháp luật về không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông; hậu quả và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông./.


Tác giả: Trần Văn Thọ
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu