Phòng Cảnh sát môi trường thầm lặng góp chiến công

Trong các đơn vị nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát môi trường là lực lượng “sinh sau đẻ muộn”. Nhưng, trên mặt trận phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực môi trường vẫn luôn cam go và hết sức nóng bỏng, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ tinh thông, nhiệt huyết, trách nhiệm, vì Nhân dân phục vụ…

Thượng tá Nguyễn Văn Xiêm, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cho biết, trong những năm qua, với những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh, Thanh Hóa đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, kinh tế, xã hội của địa phương có sự phát triển vượt bậc; bộ mặt đô thị, nông thôn được đổi mới; đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, đi liền với đó, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp. Trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, tội phạm môi trường luôn tiềm ẩn, biến hóa dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế và xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, quyền lợi của Nhân dân.

Nhớ lại những năm trước đây và ngay cả thời điểm hiện nay, do nhu cầu về vật liệu xây dựng các công trình trong và ngoài tỉnh ngày càng cao, lợi nhuận thu được từ việc khai thác, chế biến khoáng sản lớn, nhất là khai thác đất, cát… dẫn đến việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh; chủ yếu là hoạt động san lấp, khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép, làm thay đổi dòng chảy, sạt lở kè, bờ sông, đe dọa đê điều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của người dân… Bên cạnh đó hàng loạt các sai phạm, vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm, các vấn đề về xả thải, xử lý nước thải ở các khu công nghiệp, khu đô thị, các trang trại chăn nuôi, làng nghề… vẫn là vấn đề nổi cộm, gây nhức nhối, bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp xử lý nghiêm nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép

 

Thực tế trên đặt ra cho lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Thanh Hóa nhiều trọng trách nặng nề. Tuy nhiên với tinh thần kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, đơn vị đã chủ động tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh xây dựng, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời phối hợp tốt với các ngành, các đơn vị chức năng như: Tài nguyên môi trường, Kiểm lâm, Quản lý thị trường..vv.. làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Thanh Hoá đã không ngừng cố gắng, nỗ lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tích cực trong giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường; thường xuyên tăng cường các biện pháp điều tra cơ bản, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Triệt phá đường dây mua bán hổ để nấu cao

 

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ vụ chôn lấp, thiêu hủy chất thải nguy hại (chủ yếu thuốc trừ sâu hết hạn sử dụng) gây ô nhiễm môi trường của Công ty Cổ phần Nikotex Thành Thái xảy ra năm 2013 đã gây bức xúc dư luận, tốn không ít giấy mực của các cơ quan báo chí. Trước tình hình đó, Cảnh sát môi trường Công an Thanh Hóa đã nghiên cứu kỹ tính chất vụ việc, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy - chính quyền tỉnh và các địa phương có liên quan chỉ đạo giải quyết vụ việc chặt chẽ, đảm bảo quy trình và xử lý đúng quy định góp phần đảm bảo tốt ANTT và cuộc sống bình yên của người dân. Hay gần đây là hàng loạt vụ ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong Nhân dân như vụ người dân tập trung đông người phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường ở trang trại lợn Yên Tâm, huyện Yên Định xảy ra năm 2014 và 2017; Vụ gây ô nhiễm môi trường ở bãi rác thải xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn năm 2017; Vụ gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy Phân bón Sao Nông, TP.Thanh Hóa..vv.. Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ và các ngành chức năng tham mưu giải quyết đạt lý, thấu tình, ngăn ngừa nguy cơ có thể xảy ra “điểm nóng” về ANTT.

Thượng tá Nguyễn Văn Xiêm, cho biết thêm: Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, đơn vị đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trọng tâm như: Tập trung nắm chắc tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Nhìn lại chặng đường 14 năm đã qua, với những cống hiến, nỗ lực không ngừng của lực lượng Cảnh sát môi trường đã góp phần không nhỏ cùng với các đơn vị, lực lượng nghiệp vụ khác bảo đảm tốt sự ổn định về ANTT trên lĩnh vực Môi trường.

14 năm là khoảng thời gian chưa dài, những vận hội mới và cả những khó khăn, thách thức đang đặt ra phía trước trong bối cảnh phát triển chung của đất nước và của tỉnh Thanh Hóa, một tỉnh đất rộng, người đông, các mô hình kinh tế đang đua nhau ra đời, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh chăn nuôi, bệnh viện tư nhân, các phòng khám, các khu du lịch ngày càng xuất hiện nhiều, kéo theo vấn đề nước thải, chất thải công nghiệp, chất thải y tế và  các khu du lịch, môi trường nông nghiệp và nông thôn… đang là vấn đề  đặt ra với nhiều trọng trách nặng nề, rất cần sự nỗ lực vượt bậc của các CBCS Phòng Cảnh sát môi trường Công an Thanh Hóa trên mặt trận không ít gian nan này./.

Tác giả: Hà Anh
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu