Chuyện kéo giảm người nghiện ma túy ở Thanh Hóa

Theo thống kê, năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.138 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và 3.105 người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2023, con số này giảm còn 3.933 người nghiện, 651 người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, có khoảng 1.500 người thuộc diện cai nghiện bắt buộc.

Thực tiễn đã minh chứng, nhiều vụ trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, thậm chí giết người... là do các đối tượng nghiện ma túy thực hiện. Qua nhiều vụ việc cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể do được thuê, mướn nhưng cũng có đối tượng không làm chủ được bản thân do phê, ngáo ma túy, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo một điều tra xã hội học mới đây, cứ 2 người nghiện ma túy thì có 1 người khẳng định sẽ làm bất cứ việc gì để có tiền mua ma túy.

3.jpg -0
Sau cai nghiện, người nghiện rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ, động viên từ gia đình, xã hội.

Thông thường, sau những lần phê thuốc, các đối tượng nghiện ma túy gần như mất khả năng, hứng thú lao động, trong khi nhu cầu cần tiền để mua ma túy lại thường xuyên. Không còn cách nào khác, đối tượng nghiện tìm cách trộm cắp, cướp tài sản bán lấy tiền mua ma túy... Đã có không ít đối tượng nghiện ma túy đã trở thành “đầu mối” mua bán trái phép chất ma túy.

Để giảm được tác hại của ma túy cũng như hạn chế phát sinh tội phạm, giải pháp quan trọng là phải kéo giảm được số người nghiện, giảm nhu cầu về ma túy. Đây cũng là gọng kìm thứ 2 trong chủ trương “chặn cung, giảm cầu” về ma túy mà lực các lực lượng chức năng của Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện nhằm làm trong sạch địa bàn, ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tại xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc ban đầu rất khó khăn, do người nghiện và gia đình họ bất hợp tác. Tuy nhiên, bằng biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kết hợp tranh thủ ý kiến của người có uy tín trong bản, người nghiện và gia đình nhận ra tác hại của ma túy, họ mới đồng ý cai nghiện. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 3 năm qua, Công an xã Hiền Kiệt đưa được 23 người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc.

Bản Tà Cóm là bản xa nhất của xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), nơi từng được mệnh danh là "vùng lõm" ma túy khi cả bản có 111 hộ thì hơn 50% số hộ có người nghiện ma túy. Nhiều gia đình cả vợ và chồng đều là nô lệ của ma túy.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, các cấp ở Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, tuyên truyền vận động, đấu tranh triệt xóa các ổ nhóm, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân. Trong đó, vai trò của các chiến sỹ Công an, Bộ đội biên phòng hết sức quan trọng, từng ngày bám bản, tranh thủ tiếng nói của người có uy tín tuyên truyền, lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện.

Sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai các giải pháp kéo giảm người nghiện, đến nay, Tà Cóm đã không còn là "vùng đỏ" nhức nhối về ma túy. Số người nghiện giảm xuống đáng kể, đời sống bà con nơi đây cũng đổi khác.

Ông Thào A Sự - Trưởng bản Tà Cóm cho biết: Lúc đầu đi tuyên truyền bà con chưa hiểu, không ai muốn nghe nhưng sự kiên trì của các chiến sĩ Công an, Biên phòng đã giúp bà con biết nghiện là khổ, không giàu được, không đủ ăn được. Bây giờ số lượng người nghiện ma túy ở bản đã giảm, trộm cắp cũng giảm nhiều.

Theo thống kê, năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.138 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và 3.105 người sử dụng trái phép chất ma túy. Sau những nỗ lực tuyên truyền vận động và công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy, đến hết tháng 6/2023, con số này giảm còn 3.933 người nghiện, 651 người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, có khoảng 1.500 người thuộc diện cai nghiện bắt buộc.

Thực tế cho thấy, nếu gia đình nào không may có người nghiện thì toàn bộ cuộc sống gia đình gần như bị đảo lộn. Người nghiện không cai nghiện sớm, dễ bề “khuynh gia bại sản”, hàng xóm láng giềng, thậm chí cả khu phố bất an. Tuy nhiên, việc cai nghiện cho người nghiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người nghiện từ chối điều trị, thậm chí là loạn thần, không điều khiển được hành vi khiến việc điều trị cắt cơn cho người nghiện tại các trung tâm cai nghiện không hề đơn giản. Hiện nay, cả trung tâm cai nghiện số 1 và số 2 của Thanh Hóa đều đã quá tải so với công suất thiết kế. Trong khi đó, nếu người nghiện sau cai không đủ bản lĩnh, không được giúp đỡ từ gia đình, địa phương sẽ sớm “ngựa quen đường cũ”.

Ông Lê Đăng B. (Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) là người nghiện lâu năm, đã cai nghiện thành công, bày tỏ: Hồi đầu mới nghiện, bị xa lánh, thấy cuộc đời mình không còn gì cả nhưng rồi nhờ các đồng chí Công an hỗ trợ, động viên ông mới quyết tâm cai nghiện, từ bỏ hẳn ma túy. Ông B. cho biết thêm, người nghiện ma túy luôn mang tâm lý bị kỳ thị, xa lánh, do đó để họ cai nghiện được rất mong cộng đồng, xã hội cho họ một động lực để họ quyết tâm cai, trở thành người có ích cho xã hội.

Trước thực trạng đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng dồn lực làm tốt công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng đối với tội phạm mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa nhiều lần khẳng định “tội phạm ma túy” là “tội phạm nguồn” của các loại tội phạm khác. Do vậy, công tác phòng, chống ma túy luôn được Công an tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; mỗi năm có hàng trăm vụ việc, hàng ngàn đối tượng liên quan đến ma túy bị phát hiện, bắt giữ, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn./.

Tác giả: Trần Thắng
Nguồn: Báo Công an nhân dân
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu