A- A A+ |

Nguồn gốc phong trào “Ba đảm đang”

Phong trào “Ba đảm đang” được xem là mốc son trong lịch sử phụ nữ Việt Nam.

Đăng ký thực hiện phong trào "Ba đảm đang". (Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

 

Năm 1965, trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, ở miền nam chúng tăng hàng vạn lính Mỹ và vũ khí, mở rộng chiến tranh ra miền bắc.

Với khẩu hiệu “Tất cả vì miền nam ruột thịt”, toàn miền bắc đã dấy lên một phong trào tình nguyện vào miền nam chống Mỹ, cứu nước; đồng thời vừa tích cực lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Khắp nơi, thanh niên nô nức lên đường tòng quân, xung phong đi chiến đấu. Phụ nữ các địa phương đã hăng hái làm đơn tình nguyện gửi Ủy ban nhân dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam... xin được làm thêm những công việc của nam giới để sẵn sàng thay thế anh em đi chiến đấu.

Đứng trước khí thế cách mạng đó, ngày 18/3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào phụ nữ Ba đảm nhiệm với 3 nội dung chính:

1. Đảm nhiệm sản xuất thay chồng con đi chiến đấu

2. Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm công tác

3. Đảm nhiệm sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết

Ngày 22/3/1965, Ban Thường vụ Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ra Chỉ thị số 03/CT về mở cuộc vận động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ tăng cường đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu. Nội dung gồm 3 phần:

1. Tình hình nhiệm vụ mới, tăng cường đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu. Cụ thể là: Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước: Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, ở miền nam chúng tăng hàng vạn lính Mỹ và vũ khí, mở rộng chiến tranh ra miền bắc. Vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết của Hội Liên hiệp phụ nữ lúc này là:

“Giáo dục, động viên toàn thể phụ nữ nhận rõ tình hình nhiệm vụ mới đó, thấy rõ trách nhiệm để có một sự chuyển biến mới về tư tưởng, tình cảm cũng như trong hành động, phát huy truyền thống và lực lượng cách mạng tiềm năng của phong trào phụ nữ nước ta, trong đó quan trọng nhất là chị em phụ nữ nông dân ra sức nỗ lực nâng cao sản xuất, tích cực phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu”.

2. Mục đích, nội dung phong trào “ba đảm nhiệm”: Giáo dục, động viên mọi người phụ nữ nhận rõ tình hình mới, nhận rõ trách nhiệm để quyết tâm đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu. Có 3 nội dung chính:

- Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu.

- Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu.

- Đảm nhiệm chiến đấu khi cần thiết.

3. Kế hoạch chỉ đạo:

- Trước hết cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong phụ nữ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động “3 đảm nhiệm”;

- Phát động phong trào chủ yếu là ở cấp cơ sở, tránh làm rầm rộ và tập trung đông;

- Việc chỉ đạo thường xuyên của cấp Hội tỉnh phải nắm chắc trọng điểm và phát hiện, sử dụng điển hình.

Cũng trong tháng 3/1965, sau Chỉ thị 03 của Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ về vận động phong trào “Ba đảm nhiệm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nên sửa tên phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang”.

Nội dung của phong trào “Ba đảm đang”:

1. Đảm đang sản xuất và công tác thay thế nam giới đi chiến đấu.

2. Đảm đang gia đình, động viên chồng con, anh em đi chiến đấu.

3. Đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu.

Đến tháng 5/1965 (sau hơn 2 tháng kể từ khi phát động), toàn miền bắc đã có 1 triệu 70 vạn phụ nữ đăng ký “Ba đảm đang” lập thành tích xuất sắc.

Ngày 3/12/1965, Thành hội phụ nữ Hà Nội mở Đại hội “Ba đảm đang”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội. Người đã biểu dương truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây ta đã có các nữ anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền nam nước ta. Thi đua với phụ nữ miền nam là đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh. Khó khăn đến mấy ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau một năm phát động phong trào “Ba đảm đang”, khí thế cách mạng của quần chúng phụ nữ trong các ngành, khắp các địa phương diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Để tổng kết và tiếp tục phát động phong trào, ngày 19/2/1966, Ban Chấp hành Trung ương Hội ra Chỉ thị trong đó có nội dung thống nhất nội dung “năm tốt” trong phong trào “Ba đảm đang”, đẩy mạnh cuộc vận động “Ba đảm đang” thành phong trào quần chúng lớn mạnh duy nhất của quần chúng phụ nữ và đẩy mạnh phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền bắc học tập và thi đua với miền nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.


* Nguồn tư liệu: Biên niên Lịch sử Hội phụ nữ Việt Nam, tập 1 (1930-1976); Bài viết "Phong trào phụ nữ “ba đảm đang” - một mốc son trong lịch sử phụ nữ Việt Nam", Hà Thị Khiết, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam


Tác giả: Theo Nhandan.vn
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu